> 'Truyện ngắn Việt Nam bây giờ làng nhàng thế'
Nếu ai đã từng bị ám ảnh bởi câu thơ Quang Dũng “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” hẳn sẽ tan tành giấc mộng khi gặp Khuất Quang Thụy. Phải công nhận Khuất Quang Thụy tương đối ăn ảnh.
Vào hình vẻ ngoài thô nháp của anh được điều chỉnh thành ra hợp lí hơn. Sống ở thủ đô đã lâu nhưng giọng anh vẫn “đậm đà bản sắc”, như anh từng viết “Cái giọng Sơn Tây nghe ngồ ngộ/Ríu ra như nước sông Hồng”.
Nói về miền đất sinh ra, Khuất Quang Thụy không giấu niềm kiêu hãnh: “Tôi ở Hà Nội ba mấy năm rồi, Hà Nội không làm gì được tôi, không cải tạo được tôi tí nào, tôi vẫn là người Sơn Tây trăm phần trăm, từ tiếng nói đến cách sống. Văn hoá xứ Đoài đẫm vào mình, không bóc ra được. Khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, có người nói sẽ mất bản sắc xứ Đoài, tôi thì tôi tin bản sắc xứ Đoài không thể mất, chỉ thâm nhập sâu vào Hà Nội thôi”. Chẳng dại tranh cãi với anh về niềm tin bất diệt ấy, xoay sang hỏi anh về chuyện đời, chuyện… riêng tư. Thế là chạm tới góc thơ phú của Khuất Quang Thụy: “Sống mới khó làm sao/Nữa là còn tranh đấu/Nữa là còn sáng tạo/Nữa là còn yêu nhau”.
Kiếm tiền và tiêu tiền: Đều kém
Nhiều người vẫn truyền nhau câu chuyện nhà văn Khuất Quang Thụy suýt hi sinh vì… củi.
“Người tri kỷ đâu cần có nhiều. Tìm người tri kỷ trong văn chương lại càng khó hơn nữa. Văn chương Best-seller là đáng ngờ nhất. Làm sao anh có sự cộng hưởng lớn thế được? Tri kỷ thì vừa phải thôi!”.
“Cái thời đó là thế này. Khu tập thể vợ chồng tôi sống có nhiều chàng rể rất tuyệt, họ là những người công nhân, người lao động chăm chỉ. Cuối tuần các chàng rể mang xe đi kiếm củi, củi thời đó quý lắm. Còn tôi khi rảnh chỉ biết đọc sách. Rồi một hôm tôi cũng đi kiếm củi như ai. Khi chở củi từ trên núi Ba Vì xuống, tôi bị ngã, do buộc củi vụng, mất thăng bằng, suýt lao xuống vực. Ngồi bên bờ vực tôi nghĩ: Bao năm trong chiến tranh không sao, bây giờ mà tai nạn thì mình khổ, vợ con khổ. Thật ngốc, khi lao vào công việc mình không thạo để thi thố với đời”, bài học ấy được nhà văn rút ra ở tuổi ngoài 30. Từ đó về sau, Khuất Quang Thụy đã sử dụng cách mới, an toàn và hiệu quả hơn: Đổi văn lấy “củi”.
Nói đến thơ mình, Khuất Quang Thụy tự tin: “Thơ tôi cũng không tồi” nhưng khi nhắc đến chuyện “kiếm cơm” anh thật thà: “Tôi kiếm không tốt lắm. So với nhiều nhà văn bên ngoài không nói nhưng so với nhà văn quân đội, tôi cũng rất kém về mặt kiếm tiền bằng văn chương. Tôi chả so với anh Chu Lai được. Anh ấy thâm canh tác phẩm giỏi lắm, một cuốn sách có thể ngả bốn, năm mẻ, mẻ sân khấu, mẻ kịch bản điện ảnh, rồi chẻ nhỏ làm cái nọ, cái kia”.
“Vặn” một chút: “Nhưng anh cũng đa-di-năng đó chứ!”. Anh vẫn một mực bảo vệ khả năng “câu cơm” kém người của mình: “Cũng có đa-di-năng nhưng không giỏi. Mà nói cho cùng kiếm tiền bằng nghề cầm bút là nhọc nhằn nhất”.
Trong thời kỳ khó khăn, sách của Khuất Quang Thụy từng được phát hành với số lượng rôm rả. Nhuận bút của nhà văn ở ta, thời nào cũng bị xếp hạng “bèo”.
Nhưng ngẫm kỹ trước đây công lao động của người cầm bút có khi còn được trả cao hơn bây giờ, xét về giá trị: “Kể ra nhuận bút thời đó cũng không nhỏ, có thể mua được cái xe đạp. Mà cái xe đạp thời đó có thể đổi được hàng sào đất”.
Song Khuất Quang Thụy chẳng mua vàng, chẳng mua đất mà tiêu tiền vào đời sống gia đình với những thứ lặt vặt như sắm quạt tai voi, tậu một lúc hai, ba cái lốp xe đạp...
Anh kết luận: “Chọn nghề này để kiếm tiền đã là dở rồi mà lại không biết tiêu số tiền kiếm ra thì còn dở nữa”. Nhưng trong cái dở lại có cái hay. Nếu Khuất Quang Thụy giỏi tiêu tiền, giỏi kiếm tiền thì chắc gì văn hoá xứ Đoài đủ sức thống trị anh giữa phố thị ồn ào và chắc anh cũng đã bỏ nghề từ lâu.
Hỏi: “Nếu cho chọn lại, anh còn chọn cái nghề nhọc nhằn này không?”. Chẳng cần suy nghĩ, anh đáp: “Nó là nghiệp mất rồi, lựa chọn lại vẫn thế, đã mang cái nghiệp vào thân…”.
Về hưu vẫn chẳng nhàn
Tháng này, Khuất Quang Thụy mới chính thức rời ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, nơi anh đã ghi dấu ấn sâu đậm. Nhưng từ khi chưa chính thức chia tay Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cách đây hai năm, anh đã chuyển sang nhận công việc mới ở Hội Nhà Văn Việt Nam.
“Cái mác” bây giờ của anh khiến không ít kẻ ngại: Trưởng ban kiểm tra, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ, đồng thời cầm lái tờ báo điện tử của Hội… Đúng là Khuất Quang Thụy hợp tuổi trâu hơn tuổi hổ của anh.
Về hưu, vẫn chưa được nghỉ. Chỉ khác thời sung sức, đứng viết trong cái nóng, bây giờ anh đã có một phòng riêng, có điều hoà mát lạnh, có máy tính để sử dụng.
Cứ xem mấy cuộc bút chiến tả tơi trên báo chí, đủ thấy các nhà văn, nhà thơ của ta “đanh đá” ra trò. Ngồi ở ghế “phán xét” những người “đanh đá” có đẳng cấp, chẳng dễ thở, cho dù Khuất Quang Thụy không thừa nhận điều này.
Những chuyện “thâm cung bí sử” thật khó để biết nhưng chỉ coi mấy chuyện lồ lộ, đã thấy nhà văn tuổi 62 cũng mệt đầu. Nào là chuyện kiện cáo về giải thưởng chưa chính xác, thắc mắc quanh chuyện kết nạp hội viên, chuyện bản quyền… Và lình xình hơn có thể bị theo chân người viết ra toà.
Như vụ có anh nhà văn bị một gia đình kiện, chỉ vì sử dụng tên nhân vật trùng với tên họ nhà người ta. Nếu anh viết theo hướng tụng ca thì chắc họ đã mang quà đến cảm ơn, đằng này lại viết theo chiều ngược lại, nên bị kiện, phải ra tòa.
Và trưởng ban kiểm tra cũng ra theo, để bảo vệ quyền sáng tạo của nhà văn… Những hệ lụy dính vào người cầm bút cũng “nuốt” của họ không ít sức lực.
Cũng như chuyện làm tờ báo điện tử của Hội, thoạt trông cứ tưởng chẳng thấm tháp gì với nhà văn họ Khuất, bởi công việc này anh đã làm quen và làm tốt từ hồi còn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng phụ trách diễn đàn của các nhà văn cũng lắm thác ghềnh, chẳng phải chuyện chơi.
Còn riêng Khuất Quang Thụy, một điều chắc chắn, anh sẽ không bao giờ ngưng cầm bút và vẫn sẽ chung thủy với con đường đã gắn bó: Viết về chiến tranh, về người lính. 9 năm trời đi trong khói bom, trải nghiệm đó đủ để anh dư dả sáng tạo.
Hơi e ngại: “Xem chừng tác phẩm của anh sẽ khó được độc giả trẻ ngày nay hào hứng đón nhận?”, liền nhận được phản hồi quyết liệt: “Tôi không quan tâm, không bị ám ảnh bởi thiên hạ thích hay không thích, quan trọng là có viết hết được điều mình cảm, mình nghĩ hay không. Nếu lúc này sách chưa bán được thì nay mai có thể người ta lại đọc nó. Mà người tri kỷ đâu cần có nhiều. Tìm người tri kỷ trong văn chương lại càng khó hơn nữa. Văn chương Best-seller là đáng ngờ nhất. Làm sao anh có sự cộng hưởng lớn thế được? Tri kỷ thì vừa phải thôi”.
Đã biết “Đôi mắt Sơn Tây” ám ảnh, giờ lại được biết tính cách người Sơn Tây thẳng thắn, kiên định khó bì. Người sao, tên vậy, có lẽ là đúng với trường hợp Khuất Quang Thụy chăng? Lại nói về tên, anh kể: “Chi tộc của tôi không nệ lắm tên đệm, Khuất Văn, Khuất Duy đều được. Ông cụ tôi bảo: Khuất là ở bên trong, phải đệm Quang để chui ra ngoài”.
Không che đậy đời tư
Viết về Khuất Quang Thụy chẳng dễ, bởi người ta đã “cày xới” tơi bời. Có lẽ chỉ còn một thứ thiên hạ chưa đụng tới: Đời tư.
Tìm kiếm thông tin về đời tư của anh trên sách báo mỏi mắt chẳng thấy nhưng ở ngoài đời, những ai thật sự muốn tọc mạch chuyện riêng của Khuất Quang Thụy chẳng khó.
Chính anh tuyên bố: “Tôi để ngỏ đời tôi/ Mặc mưa sa bão táp/ Tôi để ngỏ thơ tôi/Cho người đời đến đọc/Tôi để ngỏ đời tôi/Chờ em vào cấu xé/Chán rồi thì em đi/Nhớ em về lại nhé”.
Thời trẻ, anh cũng gặp khó khăn trong việc lấy vợ: “Hồi đó tôi còn là bộ đội, ở chiến trường ra, có phải nhà văn đâu, do hoàn cảnh gia đình mà tôi buộc phải lấy vợ, để có người trông nom gia đình. Nhưng thấy bà cụ ốm 9 năm giời, các em lại còn nhỏ, nhìn hoàn cảnh ấy các cô sợ”.
Xem ra cái sự đào hoa của Khuất Quang Thụy phát tiết theo thời gian. Tác giả “Những bức tường lửa” không nhận mình đào hoa nhưng khuôn miệng đầy đặn đã tố cáo chủ nhân của nó.
Anh không muốn bật mí đời riêng trên báo chí, chẳng phải vì lo ngại điều gì (chắc chỉ bởi anh không có thói quen như ngôi sao giải trí): “Chuyện của tôi cả xóm biết nhưng không ai nỡ lấy chuyện đó ra để nói gì cả. Vì tôi để ngỏ, những chuyện đó không thuộc phạm trù bí mật. Bởi nếu ai quan tâm cứ đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội hỏi là biết ngay, thậm chí biết ngay từ đầu, không phải một người biết mà tất cả đều biết. Có những phần vì để ngỏ nên người ta tha, cứ che đậy úp úp mở mở người ta sẽ chọc vào”.
Không biết đến tuổi nào Khuất Quang Thụy có ý định đóng kín cuộc đời trước sự dòm ngó? Anh cười: “Không, tôi có thế thôi, tốt đẹp có từng ấy, hay ho có từng ấy và xấu xa cũng… chỉ từng ấy”.
Nhưng có thể trong lúc nào đó, Khuất Quang Thụy cũng tị nạnh thoảng qua với những đồng nghiệp khác, bởi họ che đậy góc khuất quá tài: “Tôi là một trong những nhà văn để lộ đời tư nhiều nhất còn người ta kín như bưng nhe”.
Chưa bao giờ hài lòng
|
Nhà văn Khuất Quang Thụy. |
“Cứ viết xong, in xong tôi lại thấy đáng lẽ mình có thể làm tốt hơn. Đây cũng là tâm lí phổ biến của người cầm bút. Nếu để bản thảo không in thì cứ chữa mãi, thành dị bản hoàn toàn khác. Chưa bao giờ hài lòng về cái mình viết ra, đó là đặc điểm của lao động nghệ thuật, tác phẩm hay nhất là tác phẩm chưa viết ra”, Khuất Quang Thụy chia sẻ. Anh tự nhận thơ mình không tồi, lí do anh không chăm làm thơ: “Thơ nói được ít, mà cuộc đời đa sự, nên tôi chọn tiểu thuyết”.
Ở vị trí công tác mới tại Hội Nhà văn Việt Nam, Khuất Quang Thụy vẫn dành sự ưu ái cho những người viết trẻ. Theo anh, lực lượng sáng tác trẻ bây giờ có nhiều ưu điểm: “Tôi vẫn thường nói với họ, điểm xuất phát của chúng tớ thấp hơn các cậu rất nhiều. Các cậu cứ yên tâm mà viết thôi. Mỗi thế hệ có tiếng nói riêng”.
Nhưng anh vẫn trăn trở: “Do nhịp độ cuộc sống gấp gáp nên họ nghĩ ngắn, ít khát vọng. Tham vọng thì nhiều, khát vọng thì ít. Điều này thể hiện ngay trong sáng tác. Ở các nhà văn chống Mỹ, người ta đọc được khát vọng lớn, ý tưởng lớn, tình cảm lớn, còn bây giờ người viết trẻ lại hay chui vào riêng tư vặt vãnh.
Hạn chế này làm tác phẩm của họ khó đi vào lòng nguời, cho dù kỹ năng sáng tác giỏi đấy”. Song anh tỏ ra lạc quan: “Người trẻ tham vọng đổi mới rất nhanh, muốn tạo ra cái không giống ai, viết bạo liệt, cách tân, rất tây… Nhưng rồi với thời gian họ sẽ tự điều chỉnh thôi. Không có gì đáng ngại”.