Tôi chọn hoa mào gà

TP - Tôi chọn hoa mào gà. Tại sao ư? Theo tôi, nếu chọn một con vật tiêu biểu làm biểu tượng cho đất nước ta thì đó là con gà trống. Nó tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của dân tộc ta - Giáo sư Vũ Khiêu nêu quan điểm nghiêm túc của ông về quốc hoa, và cả quốc phục.
Một góc vười đào Nhật Tân. Ảnh:Hồng Vĩnh

 >> Chưa nên chọn quốc hoa

Một góc vười đào Nhật Tân. Ảnh:Hồng Vĩnh.
Bạn chọn hoa nào làm quốc hoa?
  •   Hoa Sen
  •   Hoa Đào
  •   Hoa Mai
  •   Loài hoa khác
  •   Không cần quốc hoa
    

Theo tôi, chọn quốc hoa là việc nên làm. Sớm hay muộn cũng làm, nên không nhất thiết đặt vấn đề đã cần chưa. Nếu bây giờ có thể làm được thì cứ làm.

Nhiều người muốn chọn hoa mai hay hoa đào. Tôi thấy những hoa đó không tiêu biểu cho Việt Nam. Hoa mai và hoa đào của Trung Quốc đẹp hơn nhiều. Họ cũng có hàng trăm, hàng ngàn bài thơ vịnh về hai loại hoa này. Đào và mai của chúng ta không thể so sánh được. Không nên lấy nó làm đại diện cho Việt Nam.

Hoa sen cũng vậy. Sen có ở rất nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ. Nó không phải là loài hoa đặc trưng của chúng ta.

Tôi chọn hoa mào gà. Tại sao ư? Theo tôi, nếu chọn một con vật tiêu biểu làm biểu tượng cho đất nước ta thì đó là con gà trống. Nó tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của dân tộc ta.

Trong dân ta có câu “Xưa nay gà trống vẫn anh hùng/ Cất tiếng chào đời thế giới rung”.

Gà trống là con vật được quý trọng trên đất nước Việt Nam. Trong một đàn gà thì gà trống bao giờ cũng đứng đầu, săn sóc cả đàn. Nếu có con vật khác đến thì nó sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đàn gà của mình. Vì vậy, gà trống rất xứng đáng.

Từ đó, hoa mào gà- hình tượng của cái mào trên đầu con gà trống cũng có thể được xem là bông hoa của chủ nghĩa anh hùng. Bông hoa đỏ rực lên, như màu của trái tim, của dòng máu, của lý tưởng dân tộc ngàn đời.

Thế của hoa mào gà cũng đẹp, luôn luôn vươn cao. Tiêu biểu cho ý chí vươn, thể hiện tấm lòng son sắt, thể hiện trái tim của người Việt với Tổ quốc mình, với cả nhân loại. Thôn quê Việt Nam trước đây, nhà nào cũng trồng cây hoa mào gà nên không thể nói là nó không gần gũi với đại đa số người dân.

Chọn quốc phục cũng cần thiết. Nhìn lại trang phục của các thời kì lịch sử, nhiều bộ rất đẹp. Nhưng cũng không nên bê nguyên xi trang phục của thời nào để làm quốc phục. Chỉ nên xem xét lại vẻ đẹp của các trang phục trong lịch sử, từ đó kế thừa, vẽ ra trang phục mới phù hợp với cuộc sống.

Quốc phục phải đẹp mắt, gọn gàng, tiện dụng. Đừng nghĩ quốc phục là phải quay về quá khứ. Đừng ăn sẵn của tổ tiên. Tổ tiên chắc cũng phiền lòng nếu con cháu không nghĩ ra được bộ quần áo thích hợp với thời đại của mình, cuộc sống của mình. Nên dũng cảm tìm ra quốc phục mới phù hợp và đẹp mắt.

Không phải cứ phục cổ mới là dân tộc đâu. Tính dân tộc cũng chính là tính hiện đại, hai cái đó thống nhất. Quay về quá khứ không có nghĩa là giữ gìn bản sắc dân tộc. Thế là đánh mất mình vào trong quá khứ. Buộc mình quay lại quá khứ hay hòa tan theo bên ngoài đều có thể xem là một sự tha hóa, biến mình thành người khác. Phải tự chọn con đường đi, chọn bộ quần áo phù hợp để mặc.

Quan niệm giữ bản sắc dân tộc là phải giữ mọi thứ của cha ông là quan niệm lạc hậu, nệ cổ. Có thể lựa chọn thành tựu chung của thế giới nếu nó phù hợp với chúng ta, biến thành của chúng ta thì đã thành dân tộc rồi. Cái gì phù hợp nhất với sự phát triển của đất nước ta, với hoài bão của con người ta, chí lớn của dân tộc ta bây giờ thì cái đó là dân tộc. Cốt lõi của bản sắc dân tộc ta là lòng yêu nước, sự vươn lên, là tấm lòng bao la với bạn bè thế giới.

Giáo sư Đặng Vũ Khiêu, học giả nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Khoa học Xã hội VN).

Tác giả 30 cuốn sách, tham gia biên soạn 30 cuốn sách về nhiều lĩnh vực: Triết học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội. Các tác phẩm của ông về văn hóa bao gồm: Đẹp, Anh hùng và nghệ sĩ, Cách mạng và nghệ thuật…Tác phẩm lớn nhất của ông là bộ sách Bàn về văn hiến Việt Nam ba tập, gần 1.500 trang.

Ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt I, năm 1996. Năm 2000, nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới. Năm 2006, ông được trao Huân chương Độc lập hạng Nhất vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp phát triển khoa học xã hội và nhân văn. 

Nhược điểm của một số ứng viên

Ngoài các ưu điểm mà ai cũng biết thì hoa đào, sen, mai cũng có nhược điểm, “gây khó khăn” cho người bầu chọn

Hoa sen: Không nở quanh năm mà chỉ nở vào mùa hè, tuy nhiên thời gian nở hoa kéo dài hơn so với đào, mai. Trùng lặp với quốc hoa của Ấn Độ và Sri Lanka, là biểu tượng của Phật giáo.

Hoa mai: Chỉ nở vào mùa xuân; ở miền Bắc chưa phát triển nhiều.

Hoa đào: Nguồn gốc sâu xa từ phía Bắc. Hiện tại hoa đào phía Bắc (Trung Quốc, Nhật Bản...) có chủng loại phong phú và chất lượng cao hơn - hoa to, bền, đẹp hơn.

Hoa tre: Không đẹp, ít xuất hiện trên thực tế. Chỉ trồng ở nông thôn. Ít thông dụng trong trang trí (kể cả cắt cành, hoa chậu, trồng làm phong cảnh, trang trí).

Hoa gạo: Không đẹp, không có hương thơm. Chỉ nở vào tháng ba. Không phù hợp để trang trí mọi nơi, mọi lúc. Không có giá trị lịch sử. Ít giá trị thẩm mỹ, hội họa.

(Đánh giá của Viện Nghiên cứu rau quả, dựa theo dự thảo tiêu chí quốc hoa Việt Nam) 

Tùng Dương ghi