'Toàn đại gia đi xe Phantom thì giải cứu cái gì?'

“Tôi thấy hiện nay có không ít doanh nghiệp bất động sản được hỗ trợ thì lại không muốn cứu vì chờ Chính phủ, ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ. Doanh nghiệp cần cứu thì lại không được cứu”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, muốn giải cứu bất động sản chỉ có cách giảm giá bán.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu thực trạng trên tại phiên họp của Chính phủ sáng 28/2, xung quanh câu chuyện về “giải cứu thị trường bất động sản”.

Theo Bộ trưởng Thăng, ngọn nguồn của khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay là do giá nhà đất vẫn cao. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc này, chỉ có giải pháp hữu hiệu nhất là các chủ đầu tư phải tiếp tục giảm giá.

Đối với các dự án đang cầm cố ngân hàng, đang tồn kho, ông Thăng đề nghị cần thuê kiểm toán độc lập vào xác định giá nhà một cách chỉnh xác. Trên cơ sở đó, giảm giá bao nhiêu kiểm toán sẽ xác định.

“Chủ đầu tư bất động sản toàn đại gia, toàn đi xe Phantom thì giải cứu cái gì? Bất động sản phải giảm giá, thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được”, ông Thăng nhấn mạnh.

Trao đổi nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, câu chuyện thị trường thì không thể ra mệnh lệnh được, nên với các dự án đang vay ngân hàng, chỉ có thể là ngân hàng ra điều kiện rồi thu hồi, phát mại..

Trong phần phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, cả đánh giá của các chuyên gia và thực tế đều khẳng định như vậy.

Đặc biệt, giá bất động sản hiện nay, sau một thời gian giảm mạnh đã chững lại. một số dư án tăng nhẹ từ 1 - 2 %. Giao dịch cũng tiếp tục tăng tại 2 thành phố lớn, trong đó tại Hà Nội có 1.294 giao dịch thành công, gấp hai lần 2013. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, hiện chỉ còn 92.690 tỷ đồng.

Liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng tái khẳng định rằng, đây không phải là gói trực tiếp giải cứu bất động sản mà chỉ là hỗ trợ nhà ở cho người khó khăn, người thu nhập thấp, qua đó có tác động nhất định đến thị trường bất động sản nói chung. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân gói này hiện vẫn chậm vì nguồn cung nhà ở vẫn còn thiếu nhiều.

“Theo tính toán, mỗi hộ dân nếu vay khoảng 500 triệu đồng để mua nhà thì để giải ngân 70% gói này tương đương khoảng 20.000 tỷ cũng cần phải có khoảng 40.000 căn hộ, trong khi hiện nay chúng ta mới giải quyết được 2.000 căn. Không có nhà thì lấy đâu ra để giải ngân được”, ông Dũng khẳng định.

Chỉ đạo nội dung này, Thủ tướng yêu cầu tới đây phải làm rõ mục đích, ý nghĩa cũng như quy trình giải ngân của gói 30.000 tỷ, bởi theo Thủ tướng, ngay cả các chuyên gia cũng không hiểu được gói này, cứ cho là cứu bất động sản.

Theo Từ Nguyên

Theo VnEconomy