Tô Hoài kể chuyện cổ tích

TP - Xuất hiện tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam được trình bày đẹp, công phu, và đặc biệt có tên tác giả: Tô Hoài.


Chuyện ngày xưa - Một trăm cổ tích
của Tô Hoài (ảnh) do NXB Kim Đồng ấn hành. Sách dày hơn 450 trang, khổ 18X25cm, gồm 101 truyện, chia làm 3 phần. Phần đầu, chiếm già nửa tổng số truyện, đậm màu cổ tích, dân gian như Chú Cuội cung trăng, Cây tre trăm đốt, Đồng tiền Vạn Lịch, Lọ nước thần, Oan Thị Kính, Sự tích lá trầu quả cau, Của Thiên trả Địa...

Phần 2 gồm các truyện mang màu sắc truyền thuyết, dã sử liên quan các nhân vật hoặc địa danh có thật trong lịch sử: Sự tích Chúa Liễu Hạnh, Quả dưa đỏ, Sự tích Hồ Gươm, Ông Gióng, Từ Đạo Hạnh, Núi Non Nước, Động Từ Thức, Các tướng tài của Hai Bà Trưng. 20 truyện trong phần 3 được tuyển chọn từ kho tàng truyện cổ tích của các dân tộc Dao, Thái, Mường, Hà Nhì, Nùng, Mông, Tày, Xê Đăng, Mạ và Khơ Me.

Tô Hoài cho hay, khi ông biết cầm bút, điều ông viết ra đầu tiên chính là những câu chuyện lạ lùng, ám ảnh do bà ngoại kể. Những truyện được in đầu tiên của Tô Hoài: Ông Dầu bà Dầu, Ông Thánh Chú trên tuần báo Nước Non đều có nguồn gốc cổ tích.

Tô Hoài từng viết cổ tích thành truyện dài: Đảo hoang, Chuyện nỏ thần Nhà Chử- 3 cuốn vừa được NXB Kim Đồng tập hợp lại trong một ấn bản đẹp trang trọng. Ở tuổi 90, Tô Hoài tiếp tục kể chuyện cổ tích cho độc giả.

Đọc Chuyện ngày xưa- Một trăm cổ tích dễ nhận ra giọng kể nhẩn nha, hóm hỉnh đặc trưng của nhà văn. Đôi chỗ, ông sửa tình tiết truyện. Chẳng hạn trong Tấm Cám, Tấm không tự tay đổ nước sôi vào Cám, cũng không làm mắm Cám nữa: nhưng nhà văn lại để Tấm nhờ vả chim sẻ bằng giọng: Sẻ! Sẻ! Xuống nhặt thóc cho tao/ Mày ăn hạt nào thì tao đánh chết.

Ở cuối Chuyện nỏ thần, Trọng Thủy không nhảy xuống giếng tự vẫn. Tô Hoài cho Trọng Thủy lao cả người lẫn ngựa xuống biển theo vua Thục.

Đọc Tô Hoài, sẽ thấy ông nâng niu những từ xưa, ít dùng. Chẳng hạn con trâu, con bò của Tô Hoài sẽ bồn chứ không phải phi hay lồng lên như ngựa. Một vài từ như toang ngoảng, chất chưởng, nhụng nhặng… rất có thể do ông sáng tạo ra. Ông lưu ý cả với người đọc những thành ngữ gốc như dứng mạch vách tai (chứ không phải tai vách mạch dừng), trong đó dứng hình như chỉ cái cốt của tường vách đất ngày xưa.

Tô Hoài cũng rất hay sử dụng câu đặc biệt (thiếu một thành tố ngữ pháp nào đó). Việc này không những không ảnh hưởng nhiều lắm đến nội dung cần diễn đạt, mà còn có thể tạo nên một nhịp điệu nào đó. Chẳng hạn: “Ngốc đến một gò cao. Thấy mấy người đương lúi húi bắt chuột.” (Đi học khôn). Hay: “Rồi còn quá thế nữa, có hôm việc làng. Thầy đồ chỉ là dân bạch đinh như trai làng chẳng có chỗ, có phần ở đình”. (Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng).

Chắc là phải lâu lắm rồi, độc giả được cầm trên tay một tập truyện cổ tích Việt Nam dày dặn, trình bày và ấn loát trang trọng với bìa cứng và minh họa màu- được thực hiện bởi 4 họa sĩ: Tạ Huy Long, Lê Chí Hiếu, Vũ Xuân Hoàn, Vương Linh. Nhìn chung các minh họa đều đẹp, phù hợp với thiếu nhi. Tuy nhiên, các minh họa cho truyện cổ của dân tộc Tày (Ơn bố mẹ) và dân tộc Mông (Nhìa Lừ đi tìm bố mẹ) liệu có thuyết phục khi để các nhân vật mặc trang phục người Kinh.