Chủ trì cuộc họp của Tổ công tác với 13 bộ, ngành về tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật sáng 30/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm công tác cải cách, nhất là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các Bộ phải công khai các điều kiện, thủ tục được cắt giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Dũng cho biết, sắp tới sẽ khai trương hệ thống e-Cabinet và đi vào Chính phủ phi giấy tờ. Từ tháng 6, Tổ công tác sẽ tập trung kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo tinh thần đẩy mạnh công khai, minh bạch để cải cách thực chất.
“Nếu muốn đẩy mạnh chống tham nhũng vặt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thì ngay trong nội bộ các cơ quan cũng phải cải cách. Không cải cách, không minh bạch trong nội bộ, vụ nọ giấu vụ kia, không điều phối tốt thì cũng không cải cách tốt với bên ngoài được”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh.
Theo báo cáo, Bộ Công an có 13 nhiệm vụ nợ đọng, trong đó 2 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng hiện đã gửi VPCP để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, do các văn bản này liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải đánh giá tác động thật kỹ, lắng nghe các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, các nhà đầu tư nước ngoài, nên việc ban hành chậm hơn dự kiến trước kia.
Một cơ quan khác cũng còn nhiều nhiệm vụ nợ đọng là Thanh tra Chính phủ với 12 nhiệm vụ. Trong đó, lãnh đạo cơ quan này cam kết sẽ sớm trình dự thảo nghị định kiểm soát tài sản thu nhập và nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trước 13 nhiệm vụ nợ đọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác đề nghị Bộ cần rất quan tâm các nhiệm vụ liên quan tới thực hiện Luật Quy hoạch, hiện nhiều công việc đang phải dừng lại do nhiều quy hoạch không điều chỉnh, bổ sung được do chưa có hướng dẫn chi tiết, ảnh hưởng nhiều tới việc phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần theo dõi sát các diễn biến mới về thương mại toàn cầu để đề xuất giải pháp phù hợp.