Ca sĩ Lệ Thu Paris, người ca sĩ đầu tiên hát bài “Em ơi! Hà Nội phố” của Phú Quang phổ thơ Phan Vũ vào những năm 1980 nói rằng: “Tôi yêu Hà Nội qua những góc phố, tên đường, khi hát lên, nhiều người hỏi tôi có phải là người Hà Nội không mà hát đúng chất Hà Nội thế?”.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long vốn là cộng tác viên của Tiền Phong, là người em quen biết của tôi từ khi Quang Long còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Lúc làm bài tốt nghiệp, Long tới hỏi thêm tôi về các loại trống cổ truyền của dân tộc, vì thấy tôi hay viết bài về nhạc cổ truyền.
Khi ra trường, Quang Long tham gia vào nhóm nghệ sĩ phục hồi hát xẩm Hà Nội. Những bài hát xẩm ấy kể về 36 phố phường Hà Nội mà người ta dù ở đâu nghe cũng thấy xao xác, bồi hồi, muốn về thăm Hà Nội.
Nhạc sĩ Dương Thụ nói với tôi: “Lúc anh mới vào TPHCM, nhớ Hà Nội vô cùng, mà nghèo quá, không ra được. Nhớ quá mà viết nên ca khúc Tôi mong về Hà Nội với những câu: Những phố phường rất xưa của Hà Nội, những Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Vải/ Những phố phường dọc ngang lối cũ…”.
Nếu so với Hà Nội thì lịch sử TPHCM cũng có mấy trăm năm, phố phường đường sá dọc ngang đâu có thua kém gì. Nhưng chiến tranh nhiều lần tàn phá Sài Gòn- Gia Định. Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây” (Chạy giặc).
Cuộc đời và lịch sử dâu bể, TPHCM không có được sự ổn định về tên phố tên phường như Hà Nội. Những người trông coi Lăng Ông ở Bà Chiểu kể với tôi: “Trước kia, con đường nằm trước lăng Ông được đặt tên là đường Lê Văn Duyệt, rồi sau nhiều người nói phải phản đế phản phong triệt để nên đổi tên đường. Mới đây, chính quyền nghe theo nguyện vọng của người dân và các nhà nghiên cứu văn hóa, đánh giá lại công lao của Lê Văn Duyệt, đã đặt lại tên đường đúng như trước kia”.
Rất nhiều người khen TPHCM có nhiều tên đường mới đặt rất hay, như tên đường về các loài hoa ở quận Phú Nhuận: Phố Hoa Hồng, Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Đào… Ngay sau các “phố hoa” ra đời thì du khách đến uống cà phê rất đông mỗi ngày.
Người ta cũng ấn tượng với tên phố Hoàng Sa, Trường Sa nằm hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài cả chục cây số. Nơi đây có trồng cây bàng vuông đem về từ Trường Sa. Khi tôi ra Trường Sa viết báo, gặp nhiều con em của TPHCM công tác trên đảo. Các em đã đi từ những con phố Hoàng Sa, Trường Sa mà tới với đảo Phan Vinh, đến với Song Tử Tây để bảo vệ biển đảo đất nước.
Những thay đổi về tên đường tại TPHCM thời gian quá cũng có không ít mặt trái. TPHCM có tới 5 con đường Lê Lợi ở nằm ở các quận khác nhau và không hề liên quan tới nhau, có 4 con phố mang tên Quang Trung (Nguyễn Huệ). Người ta có câu đố vui là “danh nhân nào được đặt tên nhiều đường nhất tại TPHCM?”. Một số người cho rằng Nguyễn Trường Tộ mới là cái tên được đặt nhiều nhất, với 5 tên đường.
Một thống kê cho thấy có khoảng hơn 300 tên đường trùng nhau, chưa kể nhiều tên đường bị viết sai tên danh nhân như tên đường Kha Vạn Cân (đúng ra là Kha Vạng Cân), đường Trương Quốc Dung (đúng ra là Trương Quốc Dụng)…
Ngày 16/2, người viết bài này tới phường 2, quận 5, TPHCM thì được người dân ở đây cho biết: “Trong phường chúng tôi có hai phố đều tên là Phan Văn Trị, nằm ở hai khu vực khác nhau. Nhà báo muốn tới chụp ảnh phố Phan Văn Trị nào?”.
Chế Lan Viên có câu thơ nổi tiếng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu).
Với người thành phố thì tên đường, tên phố chính là một phần tâm hồn của mình và đôi khi những tâm hồn ấy phải phải đi tìm tên phố, tên đường chỉ vì chúng bị trùng tên.
Người dân thành phố có quyền được yêu thành phố của mình, trước hết là yêu con phố mình sinh ra lớn lên với một cái tên được viết đúng, yêu con phố dịu dàng với một cái tên riêng.