Gặp “đứa con” của lũ
Còn nhớ, chiều 19/10/2016, tại các điểm rốn lũ thuộc huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) nước lũ bắt đầu rút. Dọc hai bên quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh, những vạt lau sậy vẫn nhuốm màu bùn đỏ. Nhìn ngấn nước qua cột điện, mới thấy được sự khủng khiếp của cơn lũ vừa đi qua. Tham gia đoàn công tác báo Tiền Phong tôi đến vùng rốn lũ Hương Khê. Ði dọc sông Ngàn Sâu, nước vẫn chảy xiết, đục ngầu. Vạt cây cỏ bên sông xiêu về một hướng. Nhiều mái nhà xơ xác vết bùn, loang lổ lên tận mái. Dòng sông Ngàn Sâu cuộn sóng, nước xoáy vòng. Dọc đường, anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh Ðoàn Hà Tĩnh lúc nào cũng trầm ngâm. Rồi anh nói: “Quê hương cứ lụt lội như ri khi mô mới giàu được!”. Lúc này, trời nắng, mây tạnh. Dấu hiệu thời tiết khiến người dân vùng lũ thêm lo. “Như thành lệ, sau lũ, cứ nắng là độc, thường xuất hiện dịch, bệnh”, anh Hoàn nói.
“Ngày tôi ra đời cũng là ngày đỉnh lũ lịch sử xảy ra ở huyện Hương Sơn. Mấy chục năm qua, cứ đến ngày sinh nhật, cũng là nước lũ tràn về”.
Anh Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh Ðoàn Hà Tĩnh
Chung hành trình cứu trợ đồng bào vùng lũ với Thế Hoàn, chúng tôi được nghe những câu chuyện ấm áp về cuộc đời của anh. Một cán bộ Tỉnh Ðoàn Hà Tĩnh đùa: “Lũ lụt, nếu không cao số, Hoàn đã nộp mạng cho Hà Bá từ lâu”. Nghe thế, Hoàn cười. Chỉ dám nhận mình có “duyên nợ với lũ”.
Lúc này, khi đang lênh đênh giữa rốn lũ cũng là lúc Hoàn đón sinh nhật lần thứ 37. Ðược biết, anh là con út trong gia đình có 4 anh, chị em. Bố làm công nhân, mẹ làm y tá ở Lâm trường Hương Sơn. Sáng 17/10/1979, mẹ Hoàn đi tiêm cho công nhân ở lâm trường đúng lúc mưa như trút. Chiều tối, trên đường về nhà, mẹ Hoàn bị nước lũ dâng cao ngập cổ. Không biết bơi, không điện thoại liên lạc, một mình bà bầu bí, dò dẫm hơn 6km may mắn về nhà. Nửa đêm mẹ trở dạ, anh sinh ra lúc gần sáng.
“Tôi bị sinh non chỉ 7 tháng rưỡi, theo dân gian, thường khó nuôi. Nhưng nhờ phúc đức, tôi vẫn luôn mạnh khỏe. Ngày tôi ra đời cũng là ngày đỉnh lũ lịch sử xảy ra ở huyện Hương Sơn. Mấy chục năm qua, cứ đến sinh nhật, cũng là ngày nước lũ tràn về”, anh Hoàn chia sẻ.
Cũng như bao đứa trẻ cùng thế hệ, tuổi thơ của Thế Hoàn cực nhọc, phải mò cua, bắt ốc, làm cửu vạn, vào rừng đãi vàng… Hoàn cũng từng suýt chết đuối 3 lần. Lúc 8 tuổi, đang đãi vàng trong rừng thì gặp mưa to. Nước sông Ngàn Sâu dâng cao, cuốn Hoàn trôi theo nước xiết. May mắn, có người trong xã đi đánh cá cứu nên thoát chết trong gang tấc. Trong trận lụt 2016, nước ngập cao quá cả cột điện. Chiếc ca nô chở Hoàn cùng đội cứu trợ va phải cột điện quay nhiều vòng giữa nước xoáy. Trước đó, trận lũ năm 2013, khi đang cứu trợ bà con ở xã Phương Mỹ (Hương Khê), trong đêm không có điện thoại, đèn pin, chiếc thuyền gỗ Hoàn lái ra giữa dòng bị gãy chân vịt, trôi tự do vài km trong xoáy lũ. Lúc đó, ai cũng nghĩ Hoàn hy sinh…
Cho đến nay, Thế Hoàn cũng không nhớ đã cứu biết bao em bé thoát khỏi miệng “Hà Bá”. Một lần, có người xấu số, bị nước cuốn trôi. Dân làng tìm mãi không thấy xác, Hoàn xuống sông là đưa được lên bờ. Khi còn đang là sinh viên ÐH Vinh (Nghệ An), với tư cách là Phó Bí thư Liên chi đoàn, Hoàn tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ đồng bào. Từ năm 2004, khi về công tác ở Tỉnh Ðoàn Hà Tĩnh, Thế Hoàn cũng là đầu tàu kết nối bạn trẻ mọi miền Tổ quốc giúp đỡ bà con quê hương.
Những quả bưởi Phúc Trạch cuối cùng trong vườn được người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) tặng đoàn cứu trợ với nụ cười tươi trên môi.
Quên mình cứu dân
Xã Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh) là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều trận lũ. Trong đợt lũ 2016 vừa qua, nhiều hộ gia đình mất hết tài sản. Tại đây, chúng tôi gặp những người hùng không quản hiểm nguy quên mình cứu dân. Nhớ lại đêm 11/10/2016, anh Trần Quốc Hoàn (SN 1975), Phó chủ tịch UBND xã Hương Giang vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ðêm đó, trời tối đen như mực, mưa to, gió lớn, nước lũ bắt đầu dâng cao. Khi anh Hoàn ra đập Nghĩa Ðịa (xóm 4, xã Hương Giang) để đón con đi học từ thành phố Hà Tĩnh về, giữa dòng nước xiết, anh Hoàn thấy có tiếng kêu thất thanh. Bơi ra giữa dòng, anh Hoàn phát hiện 2 học sinh bị lũ cuốn đang bám ở thành cầu. Phía xa, có 2 mẹ con cũng bị nước cuốn trôi, đang vắt vẻo bám vào cành cây. Vì nước xiết, biết không thể cứu được 4 người, anh Hoàn bơi trở lại bờ gọi thêm hai thanh niên chèo thuyền ứng cứu. May mắn, cả 4 người thoát chết. “Lúc đó, anh có sợ bị lũ cuốn chết không?”, anh trả lời ngắn gọn: “Không kịp nghĩ nữa vì lúc đó cứu người là trên hết”.
Về Hà Tĩnh những ngày bão lũ, nhiều người ngạc nhiên về sự lạc quan của người dân nơi đây. Dù mất mát, thiếu thốn đủ bề, nhưng bà con Hà Tĩnh vẫn luôn nở nụ cười trên môi.
Về Hà Tĩnh những ngày bão lũ, nhiều người ngạc nhiên về sự lạc quan của người dân nơi đây. Dù mất mát, thiếu thốn đủ bề, nhưng bà con Hà Tĩnh vẫn luôn nở nụ cười trên môi. “Mưa lũ nhưng o cười vẫn đẹp hè. Lũ lụt vô ngày ni nên càng có nhiều quà 20/10”, chị Hằng ở xã Hương Giang cười với phóng viên khi nhận cứu trợ đúng vào ngày 20/10.
Dù bị nước ngập, nhiều đồ đạc bị cuốn trôi, nhà xiêu vẹo, nhưng cụ Nhân (95 tuổi, xã Lộc Yên, Hương Khê) vẫn móm mém cười. Cầm những quả bưởi, quả cam sót lại sau lũ để tặng đoàn, cụ Nhân lạc quan: “Ở vùng thấp nên từ bé đến giờ không nhớ phải chạy lụt bao lần. Năm ít là 3-4 lần, nhiều 7-8 lần nên cũng quen rồi. Các cháu đến động viên thế này xúc động lắm”.
Gần nửa tháng tham gia các đoàn cứu trợ ở Hà Tĩnh, hình ảnh những đoàn xe chở hàng tiếp tế vượt vũng lầy, ổ gà với các khẩu hiệu: “Hướng về miền Trung ruột thịt”; “Tất cả vì đồng bào miền Trung yêu thương”... phần nào thể hiện tình cảm đồng bào cả nước hướng về người dân vùng lũ. Từ cái nắm tay, lời động viên ân cần của các doanh nhân, nghệ sỹ, các em học sinh, sinh viên… đến những món quà cứu trợ khắp nơi mang về khiến người dân vùng lũ thêm vững tin. Phải chăng, rằng trong cơn lận đận làm cho con người xích lại gần nhau hơn và sẻ chia hơi ấm tình người.