Tình báo Anh lo IS dùng máy bay không người lái để khủng bố

Các chuyên gia cảnh báo về khả năng IS dùng hàng loạt máy bay không người lái để tấn công một sự kiện thể thao đông người, chẳng hạn như trận Super Bowl của Mỹ.
Máy bay không người lái DJI Phantom 2 với các thiết bị nổ giả đã được các nhà nghiên cứu đưa ra tại một hội thảo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm 16/1. Ảnh: Wired

Giám đốc điều hành Chris Abbott của nhóm phân tích tình báo Anh Open Briefing đưa ra cảnh báo về nguy cơ IS sử dụng máy bay không người lái (UAV) trên The Daily Beast. "Nếu chúng ta không ngăn chặn, việc đó sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian", ông Abbott nói.

Open Briefing, quy tụ các cựu chuyên gia quân sự và nhân viên cơ quan tình báo, đã theo dõi hoạt động phát triển UAV trong nhiều năm. Tổ chức này khẳng định hiện đã có công nghệ dễ tiếp cận với chi phí thấp mà những hang ổ chiến binh ẩn mình ở phương Tây, vốn hạn chế về nguồn lực và năng lực, có thể tiếp cận. Đây là các phần tử IS hoặc al-Qaeda vẫn thường gọi là những "con sói" đơn độc, đang hiện diện tại Mỹ và Tây Âu.

Các chuyên gia tin rằng IS đã nhận thấy cơ hội sử dụng công nghệ UAV trong việc lên kế hoạch các vụ tấn công vào thành phố phương Tây. "IS đã sử dụng máy bay không người lái tại Iraq và Syria để thu thập thông tin tình báo, nắm bắt tình hình chiến trường", Abbott cho biết.

"Chúng đang cạnh tranh trực tiếp với al-Qaeda và nôn nóng thực hiện một cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu phương Tây. Một vụ tấn công lớn bằng máy bay không người lái, nhằm vào một sự kiện thể thao lớn, có thể gây hậu quả khủng khiếp", chuyên gia này nói.

Trong vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi năm ngoái, các phần tử đánh bom tự sát đã nhắm tới một trận đấu của đội tuyển bóng đá Pháp có Tổng thống Francois Hollande dự khán. Tuy nhiên, âm mưu đã không thành khi chúng bị bảo vệ chặn tại cửa.

"IS cho thấy chúng rất tinh vi trong hoạt động tuyên truyền. UAV có thể được gắn camera để ghi lại các vụ tấn công và phát trực tiếp lên Internet. Việc đó sẽ gây ra nỗi sợ còn lớn hơn cả sự kiện thực tế".

Khó ngăn chặn

Tháng trước, nhóm của Abbott đã đăng tải một bản báo cáo, phân tích sức chứa vũ khí của những UAV nhỏ hiện có trên thị trường, và thảo luận khả năng các phần tử khủng bố sử dụng chúng. Báo cáo đã khiến các nhà lập pháp Anh phải tức tốc rà soát các biện pháp cần triển khai để dự liệu những vụ tấn công như vậy, và đề ra biện pháp ứng phó.

Theo ông Abbott, điều khó khăn là không có một biện pháp riêng lẻ nào có thể ứng phó hiệu quả với mối đe dọa này. Thay vào đó, cần có nhiều lớp phòng thủ, từ các quy định quản lý và đăng ký sở hữu UAV, tới hạn chế việc sở hữu các UAV cỡ lớn, công suất cao. Ngoài ra, cần có những hệ thống cảnh báo tấn công cũng như gây nhiễu các kênh được sử dụng để điều khiển UAV. Hàng phòng thủ cuối cùng là năng lực đánh chặn và bắn hạ những máy bay này.

"Sẽ thật đáng tiếc là nếu buộc phải bắn rơi chúng trên bầu trời một khu đô thị hoặc sân vận động đông người, vì rủi ro xảy ra tổn thất không mong muốn là rất cao", Abbott cảnh báo. Ngoài ra chuyên gia này còn cho rằng cơ quan quản lý sẽ đối mặt với nhiều khó khăn để hạn chế UAV, bởi loại thiết bị này có rất nhiều ứng dụng thực sự hữu ích, trong đó có cứu hộ cứu nạn.

Tại Mỹ, chỉ riêng trong năm ngoái có 700.000 UAV được bán. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ giờ yêu cầu người mua UAV vì mục đích giải trí phải đăng ký thông tin cá nhân trước khi mua. Tuy nhiên những quy định liên quan đến UAV thương mại, có trọng lượng từ 25 kg trở lên đang bị trì hoãn.

Trong khi đó tại Anh, các nhà lập pháp đang kiến nghị "lập hàng rào địa lý", theo đó các khu vực như sân bay, tòa nhà chính phủ, cảng biển, nhà máy điện hạt nhân, trạm truyền tải điện sẽ được xem như vùng cấm bay. Mọi UAV sẽ bị cài đặt chương trình để tự động không đi vào các khu vực này.

Dù vậy, ông Abbott thừa nhận những chương trình như vậy có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa. "Cách phòng thủ tốt nhất là có thông tin tình báo chính xác, có thể giúp ngăn chặn một vụ tấn công từ trước khi nó diễn ra", chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng cuộc chiến chống khủng bố hiện tại tập trung nhiều cho phòng ngừa các mối đe dọa đã từng xảy ra, sử dụng công nghệ cũ thay vì ưu tiên dự báo một mối đe dọa hoàn toàn mới.

"Máy bay không người lái thường có thể mang một vật tương đương bom ống, chứa từ 5-10 kg thuốc nổ TNT, hoặc một đai đánh bom tự sát, với khoảng 4-10kg TNT. Nó cũng có thể mang các thiết bị nổ tự tạo từng được sử dụng trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Một vụ tấn công bằng một loạt UAV sẽ tương đương nhiều phần tử đánh bom tự sát cùng tấn công một mục tiêu tại một thời điểm", Abbott phân tích.

Một máy bay không người lái bay qua ngay trước mặt Thủ tướng Đức Merkel trong một cuộc mít tinh tại Dresden năm 2013. Ảnh: Mashable

Mặt khác, cuộc tấn công chỉ dùng một UAV duy nhất có thể nhắm tới mục tiêu giá trị cao, ví dụ như một chính trị gia, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Năm 2013, một UAV nhỏ gắn camera từng hạ cánh ngay trước mặt Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi bà đang phát biểu trước một đám đông tại thành phố Dresden. Chiếc máy bay này do Đảng Cướp biển Đức sử dụng để phản đối các kỹ thuật do thám của chính phủ.

Tháng 4/2015, một UAV nhỏ chở theo mẫu cát phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima đã hạ cánh trên nóc văn phòng thủ tướng Nhật ở Tokyo. Nếu những UAV này thực sự là vũ khí tấn công, vụ việc hẳn sẽ không dễ lắng xuống như vậy.

Ngoài ra, UAV có thể mang vũ khí hóa học và thuốc độc, gây ô nhiễm nguồn nước, hoặc thả một "quả bom bẩn" chứa phóng xạ. "Sức công phá thực sự sẽ hạn chế, nhưng tác động về tâm lý và kinh tế là rất lớn", ông Abbott nói.

Theo chuyên gia này, thậm chí nếu hệ thống phòng thủ của phương Tây có thể vô hiệu hóa hệ thống định vị vệ tinh (GPS) dẫn đường trên UAV của khủng bố, chúng có thể sở hữu các phương tiện để triển khai UAV từ rất xa, như một tên lửa hành trình, theo một lộ trình đã định và lập trình sẵn tới mục tiêu.

"Hiện giờ, với giá khá rẻ, anh có thể có được hệ thống sử dụng cảm biến dẫn đường quán tính, giống như một chiếc máy bay, được lập trình sẵn đường đi, thời gian và địa điểm - khả năng mà bạn thậm chí không tưởng tượng ra cách đây 5 năm", ông nói.

Và để đối phó trước các cuộc tấn công bằng UAV, ông Abbott cho rằng cơ hội lớn nhất là phát giác ngay khi IS huấn luyện những "con sói đơn độc" cách sử dụng thành thục UAV. Đó là lúc các cơ quan tình báo có thể theo dõi động tĩnh của các cá nhân này.

"Thời điểm đó là hy vọng lớn nhất của chúng ta. Thời điểm nhiều hy vọng tiếp theo là nếu vụ tấn công diễn ra nhưng thất bại, do hạn chế của UAV, hoặc do 'phi công' điều khiển, bởi các hệ thống phòng thủ chủ động và bị động của chúng ta đã chặn được chuyến bay đó".

Còn nếu không, hậu quả sẽ như cuốn tiểu thuyết Ngày Chủ nhật Đen của tác giả Thomas Harris, xuất bản năm 1975. Trong đó vẽ lên câu chuyện một nhóm người, được sự hỗ trợ của một kỹ thuật viên loạn trí, đã đưa một khí cầu nhỏ tới sân vận động Tulane tại New Orleans trong trận Super Bowl. Khí cầu chở theo 250.000 phi tiêu sắt, bắn xuống đám đông khán giả.

Theo Theo Vnexpress