Bộ GD&ĐT lên tiếng về học phí đại học lên đến 50,5 triệu đồng
Ông Trần Tú Khánh- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập. Ngày 8/6/2017, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định lần 2. Dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét phê duyệt theo thẩm quyền. Sau khi Chính phủ ban hành, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan báo chí.
Trước đó, báo chí đăng tải Bộ GD&ĐT có dự thảo về cơ chế tự chủ giáo dục đại học đối với các trường công lập trình Chính phủ. Theo dự thảo này, cơ chế tự chủ sẽ áp dụng với tất cả cơ sở giáo dục ĐH công lập (trừ các trường ĐH xuất sắc và hệ thống trường chính trị).
Nếu Nghị định này được Chính phủ thông qua, 100% các trường đại học công lập được phê duyệt đề án tự chủ, mức học phí đại học cũng sẽ tăng lên.
Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định rất rõ về mức trần học phí đại học từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 với cả trường chưa thực hiện tự chủ và đã được tự chủ toàn diện. Theo đó, mức học phí chênh lệch khá cao.
Các trường đại học đã tự chủ tài chính sẽ phải đóng cao gấp 2 đến 3,5 lần so với hiện nay (mức 980.000 đến 1,43 triệu đồng/sinh viên/tháng).
Còn so với học phí trường đại học công lập chưa tự chủ hiện nay 7,4-10,7 triệu đồng/năm học 2017-2018, mức học phí trên sẽ tăng gấp 2,8 đến 4,7 lần.
Với trường được tự quyết định mức thu để bù đắp hoàn toàn các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí có thể còn cao hơn nữa. Vì vậy, học phí các trường có thể lên đến mức 20,5-50,5 triệu đồng/năm.
500 học sinh ở Hậu Giang ngộ độc khi uống sữa
Liên quan đến vụ hàng loạt học sinh ở trường tiểu học Lái Hiếu và Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Công an tỉnh vào cuộc điều tra.
Theo tìm hiểu của phóng viên, loại sữa trên không phải do công ty sữa phối hợp trực tiếp với ngành chức năng địa phương tổ chức phát miễn phí cho học sinh. Thay vào đó, chương trình được ủy quyền cho công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo M.C thực hiện. (Xem chi tiết tại đây)
Hiệu trưởng bị tố 13 năm dùng bằng giả: Dư luận dậy sóng
Một vị hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn Thường Tín (Hà Nội) bị tố sử dụng bằng giả trong nhiều năm khiến dư luận lại thêm một phen dậy sóng.
Mới đây, bà Nguyễn Thị H. (Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội) tố cáo Hiệu trưởng trường mầm non Văn Phú đã có hành vi gian dối khi sử dụng bằng giả để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Trường mầm non Văn Phú (Thường Tín) trong nhiều năm qua.
Cụ thể, theo phản ánh của bà H, bà Nguyễn Thị N. (Hiệu trưởng trường mầm non Văn Phú) đã móc ngoặc để mua bằng cấp 3 của một người khác cùng tên nhưng khác năm sinh. Theo thông tin bà H cung cấp, vị hiệu trưởng trường mầm non Văn Phú sinh năm 1972 nhưng tại sổ hộ khẩu và các giấy tờ bằng cấp đều ghi là 1975. (Xem chi tiết tại đây)