> Tăng trưởng kinh tế với phát triển văn học, nghệ thuật
Những vấn đề bức xúc của xã hội trên bình diện văn hóa lần đầu tiên được đề cập trực diện trong hội thảo khoa học - thực tiễn Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức tại TPHCM trong hai ngày 9 và 10-12.
Vẫn nặng cờ đèn kèn trống
Nhà nghiên cứu tư tưởng Hà Đăng cho rằng, hầu hết lĩnh vực văn học nghệ thuật cần được xem xét lại về mặt chất lượng và tầm ảnh hưởng đến đời sống. “Văn học nghệ thuật còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế; hoạt động sáng tác trình diễn, quảng bá còn nhiều sai sót”, ông nói.
Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, số lãnh đạo thường đông, nhưng chương trình nghệ thuật nghèo nàn. Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Cường nói, có đoàn nghệ thuật biên chế 100 người, trong đó 50 người là lãnh đạo, quản lý phòng ban và cán bộ đoàn thể.
“Đã hơn 20 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, số lượng các đoàn nhà nước vẫn hầu như giữ nguyên, không tinh giản được đoàn nào. Chương trình nghệ thuật thì nghèo nàn, chất lượng lại yếu kém - xem một đoàn biết được nhiều đoàn”, ông Cường nhận xét.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông (Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) nói: “Không ít hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành phố hiện nay, người đứng đầu không được trang bị đầy đủ kiến thức về văn học nghệ thuật, không phải là văn nghệ sĩ”.
Trong một số lĩnh vực, điển hình là du lịch, người ta đã cố gắng đưa yếu tố kinh tế vào, nhưng hiệu quả đến đâu? Các nhà kinh tế có thực sự quan tâm văn hóa hay chỉ gắn mác văn hóa? GS Tô Ngọc Thanh cho rằng, du lịch đang bị thương mại hóa đến mức có thể giết chết văn hóa.
TS Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), nói: “Dù làng đó là làng người Thái, làng người Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha hay Mông, Dao, nhưng chương trình văn nghệ đều cải biên, cải tiến giống nhau. Thậm chí có làng du lịch khi chưa nổi tiếng, chưa có thương hiệu thì rất đông du khách đến thăm, nhưng khi đã được các doanh nghiệp đầu tư thì vắng hẳn khách, đi đến suy tàn”.
Trong khi đó, việc quảng bá văn hóa dân tộc ra nước ngoài chưa có tính hệ thống, theo một số đại biểu. PGS-TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nhận xét: “Hạt gạo, con tôm, cà phê Việt Nam đã có mặt trên thị trường thế giới; nhưng văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam còn nhiều xa lạ với nhân loại. Thỉnh thoảng cũng có những Tuần văn hóa Việt Nam nơi này nơi khác, nhưng vẫn nặng về cờ đèn kèn trống, chưa có tính hệ thống và định hướng lâu dài”.
Theo một số đại biểu, thiếu nhân lực và thiếu trân trọng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nguyên nhân dẫn tới các tình trạng trên. GS Phong Lê, một chuyên gia đầu ngành về văn học Việt Nam, đưa ra thống kê: “Số lượng thí sinh ở Hà Nội đăng ký khối C là 4,4%, ở TPHCM là 1,4 %. Nhiều trường đại học phải bỏ khối Ngữ văn và một số khối khoa học xã hội vì đã vét cạn các nguyện vọng mà không có hồ sơ ứng tuyển”.
Thi sĩ Trần Đăng Khoa nói rằng, trước đây trong đại hội lớn, người dân đều thấy bóng Xuân Diệu, Trà Giang… nhưng giờ đây hội nghị cấp trung ương rất hiếm thấy bóng nghệ sĩ. Mà có chăng, họ lại xuất hiện với vai trò nhà quản lý.
Xây dựng xã hội tri thức
GS-TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, cần nhìn nhận lại trách nhiệm của những nhà hoạch định chính sách trước thực tế văn hóa nhiễu nhương, xuống cấp “Chúng ta mới tập trung nhiều cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm thực sự và tương xứng việc phát triển văn hóa, văn nghệ, xây dựng con người. Và đó chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc về văn hóa, đạo đức…”, ông nhận định.
PGS-TS Nguyễn Văn Dân (Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH), cho rằng, bên cạnh khái niệm Kinh tế tri thức, cần đưa vào khái niệm xã hội tri thức. Để xây dựng xã hội tri thức, cần đầu tư mạnh vào giáo dục. “Con người là mục đích của đầu tư giáo dục chứ không phải là hàng hóa của giáo dục. Về nguyên tắc, việc nghiên cứu và giáo dục để sản sinh ra tri thức phải được coi là công việc được nhà nước tài trợ”, ông Dân nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, phải đặt việc phát triển văn hóa Việt Nam trong mối tương quan với văn hóa các nước trong khu vực. Nhiều người tâm đắc với ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh gửi tới hội thảo: “Trong thực tế, ở nhiều lĩnh vực, chúng ta thấy vừa có những tiến bộ, vừa có những yếu kém, vẫn tiến bộ so với trước mà vẫn thua kém, tụt hậu so với người khác. Như trong cuộc chạy ma-ra-tông, mỗi bước chạy là một bước tiến, nhưng tiến chậm so với người khác và về đích sau người ta thì là tụt hậu”.