Tìm lại tên cho liệt sĩ ‘khuyết danh’

TP - Trong suốt hành trình gìn giữ độc lập dân tộc, hơn 1,2 triệu liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ hòa bình. Máu xương các anh hòa vào đất Mẹ nhưng vẫn còn 300.000 ngôi mộ “khuyết danh” và chừng ấy gia đình, người thân đau đáu ngóng chờ ngày đoàn tụ. Có những con người vẫn âm thầm chạy đua với thời gian trên hành trình tìm lại tên cho liệt sĩ.

Ngóng ngày đoàn tụ muộn mằn

Chiến tranh lùi xa, đất nước độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn nỗi đau của nhiều gia đình liệt sĩ ngóng chờ ngày đoàn tụ, tìm được mộ phần thân nhân. Hơn 50 năm qua, gia đình ông Lê Văn Quý (Thuận Thành, Bắc Ninh) đau đáu vì chưa tìm thấy mộ của anh trai liệt sĩ. Ông Quý chia sẻ, năm 1972, anh trai hy sinh tại chiến trường Đông Nam bộ. Gia đình ông Quý nhiều lần tìm kiếm nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao giấy thông báo kết quả giám định ADN hài cốt cho thân nhân liệt sĩ

“Nhiều lần tìm kiếm nhưng vô vọng, gia đình tôi đành đưa nắm đất ở chiến trường anh hy sinh về phần mộ tượng trưng tại quê nhà. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, bố mẹ tôi vẫn khắc khoải vì chưa tìm thấy phần mộ của con trai. Đây là ước mong của các thế hệ trong gia đình tôi mong tìm được mộ phần anh trai yên nghỉ”, ông Quý chia sẻ.

“Giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của người mẹ, ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình ở đâu là câu hỏi day dứt. Hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho anh hùng liệt sĩ là việc làm ý nghĩa, linh thiêng nhưng phải chạy đua với thời gian. Đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim, góp một phần xoa dịu mất mát, hy sinh của thân nhân liệt sĩ”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Sau khi biết thông tin về Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ, ông Quý rất vui mừng và đăng ký lưu mẫu gen. Mong mỏi của ông Quý cũng là mong mỏi của hàng trăm nghìn gia đình liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần.

Cùng với mong ngóng của người ở lại, nghĩa trang liệt sĩ dọc dài đất nước vẫn còn hơn 300.000 ngôi mộ liệt sĩ khuyết danh. Mỗi lần thắp nén nhang trên ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định thông tin trên nghĩa trang, ông Lê Khắc Trung (78 tuổi, Hà Nam) đau đáu ước mong tìm được mộ phần của anh trai Lê Khắc Nghĩa, hy sinh năm 1969.

“Cha mẹ tôi qua đời chưa thỏa ước mong tìm được mộ phần anh trai tôi. Đến tuổi “gần đất xa trời”, tôi đăng ký lưu giữ nguồn gen để mong sau này, đến đời con tôi có cơ hội tìm được mộ phần anh trai lưu lạc”, ông Trung chia sẻ.

Những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt Lào (Nghệ An). Ảnh: Rạng Đông

Nhằm vơi bớt những nỗi đau gia đình liệt sĩ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ- TB&XH) phối hợp với bộ ngành, đơn vị thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN. Đến nay, chương trình giám định ADN triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân.

Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân.

Thấu hiểu đau thương của gia đình liệt sĩ chưa tìm được mộ phần, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

“Giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của người mẹ, ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình ở đâu là câu hỏi day dứt. Hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho anh hùng liệt sĩ là việc làm ý nghĩa, linh thiêng nhưng phải chạy đua với thời gian. Đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim, góp một phần xoa dịu mất mát, hy sinh của thân nhân liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Áp dụng công nghệ tiên tiến nhất

Là một trong các đơn vị thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, việc giám định ADN với hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Mỗi mẫu hài cốt liệt sĩ mang đặc thù riêng biệt.

Theo ông Thành, sau khi nhận bàn giao mẫu, trung tâm lưu giữ, bảo quản, phân loại và tiến hành lựa chọn mẫu giám định. Tính từ năm 2019, Trung tâm giám định ADN phát triển 13 quy trình phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm. Trong đó, công nghệ mới nhất là phân tích ADN nhân. Công nghệ này thực hiện bằng máy giải trình tự gen thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học.

“Công nghệ phân tích ADN nhân từng được ứng dụng trong công tác khảo cổ, có thể xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại đến hàng trăm năm. Những mẫu hài cốt liệt sĩ có thời gian chôn lấp 40-80 năm sẽ giám định bằng công nghệ này”, ông Thành cho biết.

Trung tâm giám định ADN thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công và bàn giao đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH).

PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, viện phối hợp với Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP) triển khai dự án về tăng cường năng lực giám định ADN hài cốt liệt sĩ theo công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới. Viện Công nghệ sinh học cử đoàn công tác mang 100 mẫu hài cốt liệt sĩ sang Hà Lan triển khai tách chiết ADN nhân và giám định ADN. Theo ông Tiến, kết quả bước đầu cho thấy kỹ năng chuyên môn, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ có thể làm chủ và hợp tác với ICMP.

“Sắp tới, Trung tâm giám định ADN sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất trên cơ sở tiếp nhận máy giải trình thế hệ mới, cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám định, nghiên cứu. Chúng tôi cũng tăng cường hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gửi cán bộ tiếp nhận công nghệ, tham gia công tác giám định từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á”, ông Tiến chia sẻ.