Hiện nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được các tập đoàn nhiều quốc gia tìm đến đặt hàng. Nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn luôn ở thế bị động về đơn hàng và giá cả?
Những doanh nghiệp FDI khi đến Việt Nam đầu tư thường mang theo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đi cùng. Họ có nhiều lợi thế sẵn như công nghệ, kỹ thuật… Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng này đòi hỏi phải đầu tư rất bài bản.
Ngành cơ khí điện là ngành thâm dụng vốn đầu tư rất lớn. Muốn xây dựng được hệ thống đáp ứng các tiêu chí của người mua hàng, chúng ta phải có nguồn lực về vốn lớn. Do vậy mà chi phí giai đoạn mới đầu tư bao giờ cũng cao, cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề rất khó khăn.
Muốn có đơn hàng, không ít doanh nghiệp chấp nhận phải giảm giá để cạnh tranh, gây ra khó khăn về tài chính, sản xuất và nhiều thứ khác. Đây là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp trong ngành, đòi hỏi phải có chính sách tốt để doanh nghiệp có nguồn lực dài hạn để đầu tư.
Công nghiệp hỗ trợ là nền tảng để phát triển công nghiệp đầu cuối. Tại nhiều nền kinh tế như Đài Loan(Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong đó ngành cơ khí cũng được chính phủ của họ trợ lực rất nhiều để tăng tính cạnh tranh.
TPHCM đang có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí điện nói riêng và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung ra sao?
TPHCM có những chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên chính này đã bị dừng quá lâu và đang được khởi động lại. Thành phố cũng vừa lập hội đồng thẩm định các dự án để cho vay hỗ trợ lãi suất, đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ và logistics trên địa bàn…
Vay vốn hỗ trợ lãi suất là giải pháp mang tính khả thi. Những giải pháp khác đương nhiên doanh nghiệp rất mong muốn như quỹ đất với chi phí hợp lý. Việc này cũng đã được đề cập từ rất lâu nhưng vẫn chưa có kết quả. Những giải pháp này là nền tảng rất rõ ràng để doanh nghiệp đầu tư phát triển. Nếu doanh nghiệp cùng ở trong một cụm như vậy, tính liên kết mới mạnh, hiệu quả mới tốt cho nền kinh tế.
Ngành cơ khí tham gia công nghiệp hỗ trợ là mong muốn của các doanh nghiệp lâu nay, là xu hướng phát triển hiện nay. Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên từ chính sách đến thực thi là một câu chuyện dài, hấp thụ vào nền sản xuất quá chậm. Chính sách hỗ trợ chậm triển khai đã làm chậm nhiều cơ hội của doanh nghiệp, làm chậm tính cạnh tranh.
Doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, trình độ, công nghệ, con người… và có thể làm được các sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng của các đối tác, tập đoàn lớn của nước ngoài. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp làm sản phẩm xuất đi nước ngoài, tham gia vào các sản phẩm đầu cuối cao cấp, chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Vấn đề là sản lượng, số lượng còn ít. Làm sao để phát triển mạnh thì cần đầu tư lớn.
Hiện tôi đang làm việc và kiến nghị chính sách của Trung ương đầu tư vào đường sắt Bắc Nam, cao tốc, đường sắt trên cao của thành phố… tạo thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia.
Với vai trò là người lãnh đạo Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh - một trong những doanh nghiệp có đủ năng lực, quy mô sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp đầu cuối, ông chia sẻ thêm kinh nghiệm từ doanh nghiệp nhỏ vươn lên trở thành nhà cung ứng lớn có thương hiệu?
Công ty cơ khí Duy Khanh đã mặt trên thị trường hơn 35 năm. Chúng tôi thấy rằng, nhu cầu mua các linh kiện, chi tiết máy của các doanh nghiệp công nghiệp như sản xuất dụng cụ cầm tay, hệ thống điều khiển, truyền động trong xe máy, ô tô… là rất lớn. Tuy nhiên khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn, thậm chí, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp trong nước nào đầu tư công nghệ dập ép bột kim loại và thiêu kết để có thể sản xuất được những sản phẩm trên, bởi chi phí đầu tư rất lớn, mặt bằng đòi hỏi quy mô, thiết bị đắt tiền, quá trình nghiên cứu tìm hiểu về công nghệ dài lâu…
Do vậy, việc sử dụng các linh kiện và chi tiết máy dạng này của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chủ yếu vẫn dựa vào nguồn nhập khẩu nên dễ bị rủi ro trước những cú sốc thị trường. Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ này để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư bài bản vào công nghệ này nên cũng có rất nhiều thách thức bên cạnh các cơ hội.
Chúng tôi đã đầu tư nhà máy tại khu Công nghệ cao TP Thủ Đức (TPHCM) ứng dụng công nghệ Sintering, dập ép bột kim loại và thiêu kết để sản xuất chi tiết máy, linh kiện phụ tùng, phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với chi phí đầu tư gần 200 tỷ tỉ đồng. Công ty cũng cũng nâng cấp toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm như trục motor, trục bơm, các loại khuôn mẫu chi tiết máy chính xác cao…
Với dây chuyền công nghệ mới, công ty sẽ không dừng ở việc gia công sản phẩm do đối tác thiết kế mà có thể nghiên cứu để chế tạo ra sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như vị thế công ty. Đây cũng là nền tảng để doanh nghiệp cải thiện thứ hạng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xin cám ơn ông!
“Tôi sẽ cùng với các thành viên trong các hiệp hội, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, thông tin về nhu cầu, xu hướng thị trường nội địa, nước ngoài. Đồng thời, giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, từng bước tham gia vào chuyển đổi số để phát triển bền vững” - ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM.