Khán giả đòi "xử lý"
TikToker không hẳn được định danh là ngôi sao trong giới showbiz nhưng cũng có cả triệu người quan tâm, theo dõi. Vì vậy họ cũng được nhiều nhãn hàng và đơn vị tổ chức sự kiện ưa chuộng. Làn sóng TikToker dần lấn át các nghệ sĩ thực thụ bởi chiêu trò và sự ồn ào, nhốn nháo ở cả sự kiện lẫn không gian mạng.
Những phát ngôn gây sốc, hình ảnh phản cảm, lan truyền thông tin sai sự thật hay chiêu trò bất chấp để câu view khiến hình ảnh của nhiều TikToker trở nên xấu xí.
Mới đây, vụ việc TikToker Hứa Quốc Anh lồng ghép hình ảnh quốc kỳ và vua Thái Lan cùng giai điệu "Hello Thailand" (Xin chào Thái Lan) trong video quay ở Angkor Wat (Campuchia) khiến cộng đồng mạng ngán ngẩm. Hành động không chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết về kiến thức văn hóa, lịch sử, TikToker này còn phớt lờ, cố chấp khi được cộng đồng mạng nhắc nhở.
Về vụ việc của Hứa Quốc Anh, nhà thiết kế Hà Nhật Tiến cho rằng người này đang chiếm dụng văn hóa núp bóng danh nghĩa làm công việc "sáng tạo" để trục lợi.
"Ngang nhiên hư cấu, phát ngôn sai lệch văn hóa là điều đáng lên án và cần được xử lý nghiêm. Văn hóa là điều cần được gìn giữ chứ không cần phải sáng tạo phát triển theo hướng rẻ rúng như vậy. Lời cảnh báo với các bạn mang danh người sáng tạo nội dung số, đừng bất chấp để trở thành người nổi tiếng", anh Tiến nói.
Sở Văn hóa & Thể thao TP.HCM đã nắm được thông tin việc Tiktoker quay video ở Angkor Wat nhưng ghép hình với vua Thái Lan. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xác minh và có ý kiến phù hợp với các vấn đề liên quan.
Trường hợp của TikToker này chỉ là một ví dụ trong làn sóng nhốn nháo, nhiều tai tiếng của các TikToker Việt. Phần đông khán giả cho rằng nên có những biện pháp xử lý mạnh tay với những nội dung tiêu cực trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội TikTok.
"Quá ngán ngẩm với những chiêu trò trên TikTok hiện nay. Cứ lên mạng là thấy khoe thân, nội dung phản cảm", "Cần xử lý nghiêm những người đăng tải nội dung độc hại trên TikTok vì ảnh hưởng xấu tới trẻ em", "Hết cố tình ngã trên thảm đỏ, phát ngôn sốc, lại đến thiếu kiến thức trầm trọng về văn hóa... Muốn tìm những kênh TikTok tích cực để xem nhưng khó quá"... - cư dân mạng bình luận.
Trả lại sự văn minh
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - khẳng định hiện tượng nhiều TikToker có hành vi lố lăng, phản cảm là một vấn đề gây tranh cãi trong ngành giải trí. Ông cho rằng phần lớn TikToker sử dụng chiêu trò để để thu hút sự chú ý của công chúng, từ đó tạo ra sự lan tỏa thông tin, thảo luận trên mạng xã hội, giúp các sự kiện đạt được mục tiêu quảng bá, tăng độ nhận diện với công chúng.
Ông cho rằng những vấn đề bất thường, kỳ lạ, gây sốc dễ nhận được sự quan tâm, hiếu kỳ của công chúng hơn. Nhiều người dựa vào đặc điểm này để câu view, câu like, share, tăng tính tương tác đối với trang thông tin của mình, từ đó họ thấy mình trở nên quan trọng hơn trên không gian mạng và có thể có những lợi ích kinh tế từ việc thu hút nhiều người xem này.
"Khi các tin tức này nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ sẽ hình thành nên những đánh giá, nhận xét, thậm chí cả dư luận xã hội đối với những thông tin, livestream trên mạng xã hội. Đó là những gì chúng ta thấy gần đây đã khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc, thậm chí đã khởi tố một số trường hợp nhất định", ông Bùi Hoài Sơn nói.
Đây cũng là những biểu hiện của hành vi thiếu văn minh, tạo môi trường tiêu cực trên không gian mạng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới thực. PGS. TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm mạng xã hội cho phép ta kết nối rộng hơn, nhưng nó cũng có thể tạo ra sự cô lập, khuyến khích và trao quyền cho những kẻ bắt nạt kỹ thuật số.
"Mạng xã hội đẩy cảm xúc cá nhân đi nhanh hơn bao giờ hết khiến nhiều người bị cuốn vào vòng tranh cãi không hồi kết. Chính vì thế, chúng ta cần phải lên án những hành vi thiếu văn minh này để không chỉ trả lại sự trong lành cho môi trường mạng, mà còn cho cả xã hội", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Luật pháp chỉ nên là công cụ cuối cùng để xử lý những việc làm sai trái, ngôn từ phản cảm, hành động lệch chuẩn trên mạng xã hội. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng nhận thức của mỗi người sử dụng vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành nên một văn minh ứng xử trên mạng xã hội. Chúng ta cũng cần hình thành nên một môi trường văn hóa trong việc sử dụng mạng xã hội, ở đó, những người có ý định làm sai cũng không dám, không muốn, không thể làm sai trên môi trường trong sạch này.
Năm 2020, Microsoft công bố kết quả điều tra về Chỉ số văn minh trên không gian mạng. Khảo sát trải nghiệm của người dùng với 21 rủi ro do các hành vi cư xử không đúng mực trên mạng cho thấy, Việt Nam là một trong 5 nước có Chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong số 25 nước được khảo sát. Internet đã nới rộng không gian sống của mỗi người lên gấp nhiều lần.