Tiêu chí 'ấm' của bọn gen Z

TP - Gen Z, cái lứa sinh ra trong đầy đủ vật chất, tưởng chẳng thiếu gì, nhưng nếu lắng nghe ta sẽ thấy, thực ra họ cũng thèm khát hơi ấm và tình thương chẳng kém bất cứ thế hệ nào trước đó.

Cùng một mẫu tin nhắn “Mẹ ơi, nay con nhớ mẹ quá”, phụ huynh của các gen Z có muôn vàn cách hồi đáp khác nhau. Phổ biến nhất là nhấn một nút like. Vài trường hợp thì dứt khoát nhắn lại: “tao chuyển tiền rồi”. Chỉ rất ít người “sến cùng hệ” khi trả lời: “mẹ cũng nhớ con”!

Vụng về nhưng tràn trề

Tháng 10 vừa rồi, có một triển lãm rất đáng chú ý dành riêng cho người trẻ, mà chủ yếu là thế hệ gen Z (những người được coi là rất quen thuộc với Internet, sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010), mang tên “Vụng về nhưng tràn trề”. Đây là sáng kiến của Hoài, một cây viết tự do, cũng là một người gen Z. Hoài bắt đầu dự án để ghi lại những tiến triển trong mối quan hệ giữa mình và cha mẹ qua từng năm tháng trưởng thành. Dần dần, Hoài lắng nghe, thu thập và kể thêm câu chuyện của những bạn đồng hành để vẽ nên bức tranh muôn màu hơn về hành trình yêu thương của các gia đình Việt.

“Hằng ngày mình đã gặp, đã đọc rất nhiều câu kể về gia đình kiểu như: “Gia đình em là gia đình cơ bản thôi, chẳng có gì để kể cả”; “Bố em là một người gia trưởng”; “Mẹ em là một người biết hy sinh”; “Ba mẹ thương em, nhưng không hiểu được em”... Mình cũng từng là người kể về gia đình như vậy.

Điều này không có gì sai, nhưng nó dẫn đến một hiện tượng: bạn rồi sẽ già đi và không nhớ lắm về ba mẹ mình. Ừ thì họ gia trưởng, ừ thì họ hy sinh. Nhưng rốt cuộc thì họ đã gia trưởng như thế nào, và họ đã hy sinh như thế nào, chúng ta cũng chỉ nhớ một cách mang máng, lờ mờ. Rồi chúng ta cũng sẽ quên mất tình yêu thương này đã như thế nào. Mình đã rất nhiều lần từ chối nói về ba, về mẹ trước đám đông. Bản thân mình vẫn có sự sợ hãi. Vì mình đã không có một gia đình tuyệt vời như trong trí tưởng tượng.

Nếu chúng ta kể bằng cách chi tiết hơn, có thể chúng ta sẽ bắt đầu đặt câu hỏi. Chữ gia trưởng này bắt đầu từ đâu? Vì sao lại có chữ “không hiểu” đặt trong mối quan hệ này? Thực ra thì câu chuyện tình thương của gia đình nào cũng thật đặc biệt, nếu bạn chịu kể nó”. Hoài kể về hành trình làm “Vụng về nhưng tràn trề”.

Triển lãm “Vụng về nhưng tràn trề” hầu như không có gì bắt mắt về phần nhìn. Cả căn phòng chỉ tràn ngập chữ và chữ. Đó là tập hợp những câu chuyện về tình yêu gia đình (tràn trề) được gửi gắm qua những cuộc hội thoại trong không gian mạng. Những dòng tin ngắn gọn, gượng gạo, sai chính tả, cộc lốc, mất hết dấu... và đâu đó “cục súc” (vụng về) giữa cha mẹ và con cái khiến bất cứ ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó.

Bùi Công Nam trong “Tết này con sẽ về”

“Có một điều lạ lùng khó lý giải rằng càng lớn tụi mình càng khó để nói lời “con yêu ba mẹ”. Và ba mẹ cũng vậy. Chẳng biết lí do là gì, do tụi mình trưởng thành, hay do tụi mình bận rộn? Nhưng chắc chắn không phải là ba mẹ hết thương tụi mình, và ngược lại, đúng hông?

Kỳ diệu thay, ở thời đại công nghệ, chúng ta lại có can đảm gõ ra những điều khó nói thông qua chiếc điện thoại. Những tin nhắn sai chính tả, những lời nói ngập ngừng, hay những câu nói trực tiếp nhưng đôi khi kỳ lạ của ba mẹ, cũng là một cách để họ nói "ba mẹ yêu con". Một khách tham quan chia sẻ.

Buổi triển lãm được đúc kết với một câu hỏi: “Nếu không là bây giờ thì là khi nào?” Đây là một lời kêu gọi người xem nói lên nhiều hơn những cảm xúc của mình, và thấu hiểu hơn rằng — cha mẹ hay con cái, U60 hay U20 cũng là những người đang lớn lên từng ngày, đang học cách bày tỏ yêu thương tốt hơn.

“Thật may vì còn có nhà để về”

Trong một cuộc khảo sát (trên 1.000 người) về gu phim, đến 87% số gen Z được hỏi trả lời rằng, bộ phim mà họ xúc động và muốn xem lại nhiều nhất chính là “The way home” (Đường về nhà) của nữ đạo diễn người Hàn Lee Jung Hyang. Đây là tác phẩm được sản xuất từ năm 2002, lúc ra mắt tại Hàn Quốc, nó đã thu hút hơn 4 triệu lượt khán giả khiến cho rất nhiều người không tin được dù đó là sự thật bởi câu chuyện phim quả thật quá dung dị.

Một cảnh trong “The way home” khiến rất nhiều gen Z muốn xem đi xem lại

“Đường về nhà” chỉ xoay quanh hai nhân vật chính: Sang Woo - cậu bé thành thị 7 tuổi và bà ngoại của mình. Vì một nguyên nhân bắt buộc, Sang Woo phải nghe lời mẹ về quê – một vùng núi tẻ nhạt nghèo khó chẳng có niềm vui gì đáng kể, sống với bà một thời gian. Bà của Sang Woo vừa bị câm vừa chẳng biết chữ. Đối với bà, Sang Woo luôn thô lỗ và cáu kỉnh. Cho đến một lần cậu đòi bà làm món gà rán, bà đã đội mưa đi mua gà về làm cho cậu ăn. Nhưng kết quả lại khiến Sang Woo vừa khóc vừa hất bỏ chén cơm vì đó không phải là thứ gà Kentucky mà cậu thèm.

Bà không giận Sang Woo, cũng không mắng cậu không chỉ đơn thuần vì bà bị câm. Lý giải về cách chọn nhân vật, đạo diễn Lee Jung Hyang từng nói: “quan niệm của tôi là bà ngoại đại diện cho sức mạnh của thiên nhiên. Thiên nhiên không nói chuyện và vì vậy bà cũng không nói chuyện. Ngoài ra, người bà đại diện cho người cho tình yêu mà không có lời, đôi khi có thể vĩ đại và mạnh mẽ hơn”.

Nhờ những âm thầm chăm sóc, yêu thương của bà, dần dần, Sang Woo được cảm hóa. Từ một đứa bé ích kỷ, hỗn láo, cậu trở thành đứa trẻ biết rơi nước mắt khi thấy bà vất vả kiếm tiền để mua cho cháu đôi giày mới, biết chăm sóc bà khi bà bị ốm, biết bỏ ngược lại cái bánh vào túi bà và biết mỉm cười khi cầm con robot đồ chơi bị hỏng đã được bà dán chằng chịt băng keo.

Buổi tối trước ngày Sang Woo trở về thành phố, cậu đã giúp bà chuẩn bị cả chục cuộn chỉ cũng như cậu đã dạy bà những chữ viết đơn giản như “Bà ốm”, “Bà thương cháu lắm!” vì Sang Woo muốn sau này hai bà cháu có thể viết thư cho nhau.

Dự án “Vụng về nhưng tràn trề” thu hút sự quan tâm của rất nhiều gen Z

“Mỗi một lần xem đều rơi nước mắt” là bình luận của rất nhiều gen Z dành cho “Đường về nhà”. Nhà sản xuất Đinh Hiền, người khởi xướng cuộc bình chọn này cho biết: “Gu của gen Z hóa ra vẫn có đất rất lớn dành cho những câu chuyện gia đình cảm động. Hóa ra, trong thâm tâm họ, sợi dây gắn kết với nhà, với tình thân, tình thương yêu vẫn rất bền chặt. Thứ mà chúng ta hiểu lầm là mong manh, đứt gãy... có khi chỉ là biểu hiện bên ngoài mà thôi”.

Cũng chính là gen Z, nghệ sĩ Bùi Công Nam, hai năm nay đều chiếm lĩnh thị trường nhạc Tết với “Tết này con sẽ về” được người trẻ bình chọn có các ca từ “đi thẳng vào tim”. “Thật may mắn khi còn có nhà để về. Chỉ cần trở về nhà, gặp lại người thân đã là cái Tết đủ đầy”. Câu status của Nam nhanh chóng được gen Z bắt trend và chứng tỏ sức sống bền lâu của mình khi qua đến mùa Tết thứ ba vẫn được giới trẻ lôi ra phủi bụi treo trên tường nhà.