> Những mặc định sai lầm về nghề tiếp viên hàng không
> Góc khuất nghề tiếp viên hàng không
Sức hút của “sàn diễn” trên không
Thu nhập cao là một trong những lợi thế nổi bật của nghề tiếp viên hàng không. Các hãng hàng không trong nước không tiết lộ chi tiết về thu nhập của tiếp viên; tuy nhiên, các tiếp viên được hỏi đều cho đây là nghề “phong lưu”, “hơi sang một chút”.
Một số thông tin đã được công bố cho biết, thu nhập trung bình của tiếp viên của các hãng hàng không trong nước giao động ở mức 20 - 30 triệu đồng/tháng. Với hàng không quốc tế, mức lương cơ bản (chưa tính phụ cấp theo giờ bay, làm thêm, thưởng…) của tiếp viên là 15.000 USD/năm.
Ngoài ra, tiếp viên có đặc ân từ đặc thù phát sinh của ngành này như vé máy bay miễn phí, ưu đãi cho người thân.
Môi trường chuyên nghiệp, đồng nghiệp là người nước ngoài có trình độ (phi công, kỹ sư, chuyên gia…) cũng là cơ hội tốt cho các tiếp viên học tập. Tiếp viên cũng có cơ hội được học, bổ sung kiến thức tại nước ngoài. Với những tiếp viên bay quốc tế, những chuyến xuất ngoại thường xuyên sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời để trở thành “công dân toàn cầu”.
Với nhiều hãng hàng không, sau 1 năm làm việc, tiếp viên thường đã có thể học thi lên tiếp viên trưởng, học làm phi công, lên các cấp quản lý, giáo viên bay, cơ hội tiếp tục chuyển sang các hoạt động khác của hàng không như thương mại, cơ quan đại diện nước ngoài.
Với sự hấp dẫn đó, tiếp viên hàng không trở thành lựa chọn của các bạn trẻ. Năm 2012, Delta Ailines, hãng hàng không lớn thứ nhì thế giới đăng thông tin tuyển 300 tiếp viên nhưng trong tuần đầu đã nhận đến 22.000 hồ sơ, rất nhiều ứng viên tốt nghiệp các trường đại học, vượt qua tỷ lệ “chọi” của các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Ở Thái Lan, nhiều tiếp viên là hoa hậu, nghệ sĩ, bác sĩ… Trong nước, tiếp viên của Vietnam Airlines vẫn được xem là những người đẹp về cả ngoại hình lẫn văn hóa. Hình ảnh tiếp viên của VietJetAir đã nhanh chóng được định hình là những người trẻ trung, hiện đại và thân thiện - như tiêu chí phục vụ của hãng này.
Làm gì để dành “vé bay”
Mỗi hãng hàng không đưa ra các tiêu chí khác nhau về hình thức tiếp viên. Tuy nhiên, các hãng đều hướng tới việc lựa chọn những người có ngoại hình cân đối, ưa nhìn. Thông thường, tùy theo qui định của từng hãng, nam cao từ 1m68 - 1m80, nữ cao từ 1m58 đến 1m75.
Về học thức, tiếp viên hàng không là nghề mở khi tuyển cả những người vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, bên cạnh các sinh viên đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tiếng Anh thông thạo là một yêu cầu bắt buộc, không dễ vượt qua. Hiện nay, tiêu chuẩn ngoại ngữ thường là Toeic > 400 điểm hoặc tương đương. Biết ngoại ngữ thứ 2 sẽ là một ưu tiên.
Một khuôn mặt ưu nhìn, một thân hình cân đối, vốn tiếng Anh lưu loát sẽ là chìa khóa cho các bạn trẻ bước chân vào nghề tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, để dành một tấm vé lên máy bay, các nam thanh nữ tú còn cần một cái đầu thông minh và một trái tim ấm nóng với nghề…
Chị Jacqueline Andrew Sigar - Trưởng đoàn tiếp viên của VietJetAir “tiết lộ”: “Mỗi chuyến bay 1 tiếp viên phục vụ gần 50 khách, làm liên tục và phải cười nói liên tục nên đòi hỏi một sự đam mê, yêu nghề. 180 hành khách/chuyến bay nghĩa là có 360 con mắt sẵn sàng “soi lỗi” tiếp viên. Vì thế, các ứng viên còn có vai trò giữ hình ảnh của cả hãng hàng không”.
Hiện nay, cơ hội để trở thành tiếp viên hàng không trong nước không quá khó. Tuy chưa có kỳ thi tuyển quy mô lớn nhưng Hãng hàng không Vietnam Arlines năm nay đã đăng tin tuyển dụng tiếp viên làm công việc bán thời gian cho hãng.
Hãng hàng không VietJetAir mở nhiều đợt tuyển tiếp viên chính thức. Một ưu điểm của hãng hàng không mới này là đội ngũ tiếp viên trẻ có cơ hội thăng tiến nhanh chóng.