Tiếng khóc xé lòng từ Nậm Giải

TP - Trận lũ dữ tràn qua miền tây Nghệ An, làng bản xơ xác tiêu điều, 13 người dân ở bản Meo, bản Pục (xã Nậm Giải) bị mưa lũ vùi dập, chết và mất tích. Quế Phong lặng đi trong tiếng khóc xé lòng.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 5/10/2007, mưa như trút. Tiếng động ầm ầm từ sông Nậm Giải đánh thức dân bản Mờ, bản Pục, bản Meo, khi mọi người chưa kịp định thần thì thác nước hung dữ từ đầu nguồn đã ập tới, cuốn phăng nhiều căn nhà, cây cối bật gốc và ngã rạp xuống.

“Lũ đến bất ngờ khiến dân bản không kịp trở tay!”, Trưởng bản Meo Ngân Văn Thi bàng hoàng nhớ lại.

Nghe tiếng nước chảy mạnh, anh Ngân Văn Điệp cùng vợ bồng con chạy lên đồi trú ẩn. Anh định lao xuống căn nhà dìu mẹ già tàn tật đi tránh nạn nhưng bất lực, trong chớp mắt dòng lũ đã chặn ngang lối đi.

Ngân Thị Lan (13 tuổi, em gái anh Điệp) không chịu rời nhà, cháu muốn cứu mẹ. Vừa bước chân xuống bậc cầu thang thứ 5, lũ từ rừng lao thẳng đến, cuốn phăng chiếc cầu thang và Điệp rơi xuống, mất tích.

Căn nhà lung lay, sụp đổ, mẹ anh Điệp bám vào xà nhà, chống chọi với cơn lũ dữ cho đến khi nước rút đi, bà thoát nạn.

Mất đứa em gái, anh Điệp như hóa điên hóa dại. Trong đêm tối mịt mùng, biết tìm Lan ở đâu? Điệp cúi nhìn dòng nước đục ngầu và khóc.

Nỗi đau của gia đình anh chưa tang tóc bằng ông Ngân Văn Miếu (80 tuổi, trú tại bản Meo). Trận lũ quét kinh hoàng cướp đi của ông 6 người thân: 3 con trai, 2 cháu ngoại và 1 cháu nội.

Nhà ông Miếu cách trung tâm xã Nậm Giải 7km, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngày 6/10, người ta tìm thấy xác của Ngân Văn Cáng (13 tuổi, cháu nội) trôi dạt đến cầu Tràn, địa phận xã Châu Kim.

Mưa lũ vùi dập khiến thi thể của đứa trẻ bất hạnh không còn nguyên vẹn. Ba con trai và hai đứa cháu của ông Ngân Văn Miếu hiện đang mất tích.

“Đây là trận lũ lớn nhất từ trước tới nay trên sông Nậm Giải và cũng là đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử lập làng!”, Trưởng bản Ngân Văn Thi nói. Ông Thi mất người em trai Ngân Văn May.

Ngày 4/10, anh May rời nhà vào trại chăn nuôi canh vịt. Không kịp về nhà trước lúc trời tối, Ngân Văn May ở lại trên đồi, trú trong túp lều dột nát cách nhà 2km.

Lũ ập đến, anh May bị cuốn theo dòng nước. Ngân Văn May ra đi để lại người vợ trẻ và 2 đứa con nhỏ. Chị Quang Thị Lang chạy dọc bờ sông tìm chồng, khóc cạn nước mắt.

Hai ngày sau khi lâm nạn, xác anh May trôi dạt xuống tận Mường Nọc (Quế Phong), cách Nậm Giải hơn 26km.

Xã Nậm Giải có 8 căn nhà bị sập, đổ.

Thoát chết trong gang tấc

5 giờ sáng ngày 5/10, anh Ngân Đức Chín - Công an viên bản Pục thức giấc. Giữa tiếng nước réo ầm ầm, anh Chín nghe ai đó gọi tên mình: “Anh Chín ơi, anh Chín, có nghe tiếng em không? Đến cứu em với!”.

Chín tung chăn chạy ra ngoài sân, bầu trời đen kịt, tiếng kêu tắt ngấm. “Hay là mình nằm mơ?”, anh tự hỏi.

Vào nhà, đứng ngồi không yên. Tiếng kêu bên kia sông lại vọng đến: “Anh Chín ơi, anh Thoại ơi! Cứu em với!”. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành xảy ra, Ngân Đức Chín chạy ngược lên đầu nguồn sông Nậm Giải và chờ trời sáng.

Lúc này, anh Ngân Văn Thi cũng có mặt tại bờ sông. Chín nói với anh Thi: “Em nghe tiếng người kêu cứu ở dưới kia, hình như có người bị lũ cuốn, phải tìm cách cứu họ!”.

Đây là khúc sông hẹp, ngày thường có thể xắn quần lội qua, nhưng lúc này nước dâng trắng xóa. Bên kia bờ sông nhiều người dân đã kéo đến, anh Chín hét to lên bảo mọi người đi xuống khoảng 2km cứu người. Nước chảy ầm ầm, chẳng ai nghe thấy gì.

Trưởng bản Thi rút trong túi ra tờ giấy, viết vội lên đó mấy dòng: “Có người đang kêu cứu phía hạ lưu khoảng 2km, xuống đó mau!”. Bọc tờ giấy vào hòn đá, gói kỹ trong bọc nilông, anh Thi gắng sức ném sang bờ bên kia.

Lần thứ nhất ném không tới nơi, lần thứ hai gió cuốn “tờ giấy đưa tin” xuống nước, dòng nước hung dữ cuốn phăng tất cả mọi vật trên đường đi. Lần thứ 3, trưởng bản Thi mới thực hiện được “cú ném cứu người”.

Nhặt được tờ giấy cấp báo và sau khi đọc những dòng tin ngắn ngủi, anh Ngân Văn Xuân (em trai anh Ngân Văn Thi) tức tốc chạy về nhà mang lửa, quần áo, đi dọc bờ sông tìm kiếm.

Đến đoạn sông đối diện với bản Pục, gần nhà anh Ngân Đức Chín, anh Xuân phát hiện một người đang nằm dưới bụi tre, quần áo rách nát, toàn thân tím tái.

Bị lũ vùi dập tơi bời, trên mình Ngân Văn Kiên (SN 1982, con ông Ngân Văn Đoàn) mang nhiều thương tích. Nhưng anh đã may mắn được anh em láng giềng kịp thời đưa lên khỏi bờ sông.

Trường tiểu học xã Nậm Giải đã bị lũ cuốn trôi

Đất nghèo, lại nghèo thêm

Bốn hôm nay, Nậm Giải sống trong tang tóc. Trên bờ sông bóng những người vợ đi tìm chồng, tiếng mẹ gọi tên con, anh đi tìm em, họ đã khóc cạn dòng nước mắt. Nhiều gia đình bị lũ quật đổ nhà, nương rẫy tan hoang. Đất nghèo, sau lũ càng nghèo thêm.

Nhà ông Ngân Văn Miếu ở bản Meo sập đổ, lều ông Lô Văn Vượng nước cuốn trôi. Chiều 4/10, nghĩ là không xảy ra lũ quét, ông Vượng giao căn lều cạnh ruộng lúa cho con trai Lô Văn Lâm.

Trời tối, Lâm và vợ là Lô Thị Tâm ở lại, lúc này có thêm anh Lô Văn Châu (em ruột chị Tâm) và hai nam giới xã Quang Phong đến trú ẩn.

Lũ đánh thẳng vào túp lều, anh Lâm và chị Tâm bị nước cuốn mất tích, em trai chị Tâm cũng chìm trong dòng nước chảy xiết, đến nay chưa tìm thấy xác. Hai người ở xã Quang Phong bám được vào ngọn cây, thoát chết.

“Túp lều nơi vợ chồng anh Lâm và em trai bị nạn nằm trên quả đồi cao. Tính từ mặt nước lên khoảng 20m, vậy mà bị lũ cuốn phăng!”, một người dân Nậm Giải kể.

Mất cả cha lẫn mẹ, em Lô Văn Sơn - Lô Thị Minh bơ vơ, Minh đang theo học lớp 11 tại trường cấp 3 Quế Phong. Ông nội của Lô Thị Minh là thương binh hạng 2/4, bà nội già yếu không còn khả năng lao động. Những ngày tới, em Minh biết trông cậy vào ai?

Bà Lô Thị Quyết (41 tuổi) mất chồng năm 1990, một mình bà chèo chống nuôi 4 con nhỏ. Trận lũ ngày 5/10 làm bà Quyết tử nạn. Mưa tạnh, trời vẫn dày đặc mây.

Trụ sở UBND xã Nậm Giải nằm trong vùng lũ cuốn, sập 1 căn nhà ông vụ, đổ nát 1 nhà bếp. Một diện tích lớn hoa màu, cây lương thực bị nước nhấn chìm.

Bùn đất đục ngầu bôi lên khắp mọi ngõ ngách của bản làng: bờ sông, vườn tược, cây cối. Trên lòng sông nhô ra những bụi cây dại bị lũ vít cong. Khung cảnh thật tiêu điều. Đường liên xã, liên bản bị chia cắt dữ dội.

Đi tìm người mất tích

Lũ cuốn 16 người ở Nậm Giải (trong đó có 14 người ở bản Pục, bản Meo; 2 người quê ở xã Quang Phong). Ba người may mắn thoát nạn, 13 người chết và mất tích. Đến chiều ngày 7/10, đã tìm được thi thể của 9 nạn nhân, còn 4 người là: Duyên, Thường, Máy, Lan chưa tìm được.

Không đợi lệnh của huyện - tỉnh, từ sáng sớm ngày 5/10, sau 3 giờ đồng hồ mưa lũ ập đến dân 6 bản của xã Nậm Giải chẳng ai bảo ai tất cả đều chạy ra bờ sông tìm người mất tích.

22 dân quân tự vệ, hàng trăm ĐVTN chia thành nhiều nhóm đi dọc bờ sông, lùng sục từng gốc cây, bụi cỏ. “Chúng tôi đã rà soát khắp tuyến sông thuộc xã Nậm Giải, Châu Kim, Mường Nọc, những người tử nạn có thể đã bị nước cuốn đi khá xa!”, một thành viên trong tổ cứu hộ địa phương cho biết.

Để chia sẻ, giúp người dân bản Quế Phong sớm ổn định cuộc sống, vượt qua cơn bão lũ, UBND tỉnh Nghệ An quyết định hỗ trợ các gia đình có người chết 4 triệu đồng/người; Gia đình có nhà trôi, sập đổ 5 - 10 triệu đồng/hộ;

Cứu đói khẩn cấp 15kg gạo/người/3 tháng đối với dân vùng bị ngập nặng; Sản xuất vụ Đông tới, tỉnh hỗ trợ 100% giống; 300.000 đồng/HS tiểu học, THCS...

Ngày 6/10, anh Lô Văn Nữu tìm kiếm ở bản Pục, phát hiện thấy một xác người trôi dạt cạnh bờ sông.

Trở về trung tâm xã cấp báo với chính quyền xã Nậm Giải, khoảng 1 giờ đồng hồ sau đội cứu hộ đã vớt được thi thể của anh Quang Văn Nam, con ông Quang Văn Tuấn.

Chiều 4/10, trên đường đi làm rẫy về gặp mưa lớn, Nam vào lều của bà Quyết xin nghỉ qua đêm, trong lều có bà Quyết, anh Ngân Văn Thưởng, Ngân Văn Kiên và Lô Văn Linh. Lũ tấn công lúc nửa đêm khiến mọi người không kịp thoát thân, 4 người bị lũ vùi, Ngân Văn Kiên “trở về từ cõi chết”.

Công việc tìm kiếm 4 nạn nhân còn lại đang được tỉnh triển khai quyết liệt.

Rời bản Mờ, bản Pục, bản Meo, các thành viên trong tổ tìm kiếm cứu nạn xã Nậm Giải men theo bờ sông đi về xuôi.

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt của miền sơn cước, vượt qua những phiến đá tai mèo, họ lặng lẽ đi trong mưa gió tìm những người anh em, láng giềng đã bị dập vùi trong lũ...