> Những khu tập thể 'ổ chuột' giữa lòng Hà Nội
Căn phòng trọ tồi tàn rộng chưa đến 6 m2, trên vách treo kín quần áo, xoong chảo, bát đĩa… còn lại khoảng trống chỉ trải vừa một chiếc chiếu nhỏ để hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Bốn nghỉ ngơi. Căn phòng ấy ngày ngày vẫn vang lên tiếng đàn guitar giúp bà con lao động nghèo trong xóm có những phút giây thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Người đàn ông nghèo, gia tài chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp từ những năm 90, nhưng trong phòng trọ lúc nào cũng có hai cây đàn guitar. Ông Bốn được cả xóm nhặt rác Hoàng Cầu yêu mến gọi là nghệ sĩ guitar Bốn Râu, vì ông để râu và là người duy nhất trong xóm biết chơi đàn guitar.
Ông Bốn Râu sinh năm 1955 ở Giao Thủy, Nam Định. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông nghèo, từ nhỏ ông đã rất mê chơi đàn guitar. Năm 12 tuổi, lần đầu tiên ông được nghe một anh bộ đội chơi đàn guitar và say mê tiếng đàn từ đó. Vậy là hằng ngày, sau giờ đi học, cậu bé ra biển bắt cua, bắt cá về bán lấy tiền góp lại bỏ vào một ống tre tiết kiệm để mua đàn. Rồi chú bé tự mình đạp xe lên tận thành phố Nam Định để mua cây đàn ưng ý.
Có cây đàn làm bạn, Bốn mua cuốn sách dạy guitar về tự học, rồi học lỏm từ bạn bè, anh em. Trong xã, huyện có đám cưới hay chương trình ca nhạc nào, dù xa cậu bé khi ấy cũng đạp xe đến nghe, học cách người ta chơi đàn. Ngoài giờ học, chú không rời được cây đàn. Ông Bốn Râu ngày nay tâm sự: “Các cụ nói học đàn thì khó, học võ thì đau, nhưng mình thích học, nên khó mấy cũng không thấy nản chí”.
Năm 1982, chàng trai tên Bốn lên đường nhập ngũ, rồi chuyển sang học quân y, ra trường được cử về tiểu đoàn D13, pháo chống tăng 76,2 ly, thuộc Sư đoàn 347.
Ở trong quân ngũ, làm quân y, Bốn Râu vẫn đam mê văn nghệ, đi đâu cũng mang theo cây đàn guitar dọc đường hành quân để đàn hát cho anh em trong đơn vị nghe. Chàng trai được cử vào đội văn nghệ để phục vụ đơn vị.
Cũng nhờ tiếng đàn guitar của mình mà Bốn tìm được người bạn đời khi rời quân ngũ. Năm 1986, ông xuất ngũ về quê, vào chơi nhà cô Trần Thị Màu tình cờ gặp cây đàn guitar. Vậy là chàng trai đàn cho cả nhà nghe. Cả nhà đều yêu mến tiếng đàn và sự hiền lành, chất phác của ông. Sau này, khi lấy nhau rồi, bà Màu vẫn nói rằng: “Tôi yêu, lấy anh ấy cũng vì mê tiếng đàn của anh ấy”.
Cuộc sống ở thôn quê nghèo khó, không đủ để nuôi 3 đưa con ăn học đại học, năm 2007, vợ chồng ông Bốn khăn gói lên Hà Nội đi làm thuê. Hai vợ chồng thuê một phòng trọ ở xóm ve chai Hoàng Cầu. Ông xin làm nhân viên vệ sinh ở Khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc.
Ngoài giờ làm ở đây, ông đi bán các loại hàng hoa giả hay tranh thủ đi lượm ve chai để kiếm thêm tiền. Còn vợ ông hằng ngày vẫn đạp xe đi gom đồng nát.
Hôm nào cũng vậy, cứ tầm 10h đêm, vợ chồng ông mới được về phòng nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng ông bà lại về quê để chăm 8 sào ruộng và thăm cậu con đang bị bệnh. Con trai của ông Bốn là Nguyễn Văn Biển, đang học Đại học sư phạm TP HCM thì năm 2010 phải bỏ dở vì bệnh lao hạch. Vợ chồng ông làm đủ nghề, được bao nhiêu đều dành dụm để chữa bệnh cho con.
Vất vả, khổ cực đủ đường, nhưng mỗi khi về đến phòng trọ ông lại lấy đàn ra chơi, và ca những bài hát yêu thích: Đêm Trường Sơn, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Hát về dòng sông Kỳ Cùng…
Khán giả của ông là những bà con cùng cảnh ngộ nghèo khó từ khắp các tỉnh thành lên Hà Nội kiếm kế sinh nhai, đang trọ ở xóm ve chai Hoàng Cầu.
Sau một ngày làm việc vất vả, buổi tối, bà con thường tụ tập ở giữa xóm để nghe ông Bốn đàn hát. Nhiều sinh viên nghe tiếng Bốn Râu cũng tìm về tận xóm theo ông học đàn.
“Tiếng đàn làm mình tươi trẻ, xua tan tất cả mệt nhọc. Đi làm về, dù mệt thế nào thì cầm đến cây đàn là tôi lại phấn chấn hẳn lên", người chơi đàn nghiệp dư này tâm sự. Ông bảo rằng cả cuộc đời mình, cây đàn là người bạn thân thiết, giúp ông vượt qua những ngày tháng gian khó.
Theo VnExpress