Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường: Thách thức nhưng phải làm

TPO - Giáo viên, đại biểu Quốc hội cho rằng đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là quan điểm đúng đắn, nhưng cũng cần quá trình rất lâu dài, thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Ngày 14/11, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, đồng thời đào tạo ngoại ngữ khác theo nhu cầu.

Trong đó, đột phá chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn với các yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập với tinh thần phát huy tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực chủ yếu cho sự phát triển.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Cần có đề án bài bản từ Bộ GD&ĐT

Trao đổi với PV Tiền Phong về yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng đây là quan điểm đúng đắn nhưng cũng cần cả một quá trình rất lâu dài.

“Đây là thời kỳ hội nhập mà dân ta không biết ngoại ngữ phổ biến là tiếng Anh thì cũng không được”- bà An nói.

Tuy nhiên, bà An cho rằng, khi thực hiện được điều này sẽ gặp khó, nhất là vấn đề giáo viên. Muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường thì cần có thầy cô dạy. Nhưng thầy cô phải là những giáo viên chuẩn từ phát âm, ngữ pháp.

Theo bà An, việc cần làm lúc này, Bộ GD&ĐT cần đưa ra được đề án đào tạo giáo viên tiếng Anh cho các cấp. Muốn đạt được mục tiêu thì phải chuẩn bị kĩ càng.

“Bộ GD&ĐT cần đưa đề án tổng thể, trình bày một cách chi tiết, có giám sát thường xuyên chứ không thể đưa ra đề án là tổng giáo viên, tiền là bao nhiêu mà cụ thể như quá trình đào tạo giáo viên sau dạy học sinh từ mầm non đến đại học sẽ chuẩn bị như thế nào?", bà An nói.

Thêm nữa, theo bà, phải có bộ phận kiểm tra và giám sát đề án. Đừng để giáo viên chỉ lấy chứng chỉ để đi dạy. Chúng ta cần đạt mục tiêu tiến tới học sinh dùng được tiếng Anh, sử dụng được tiếng Anh trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Cô giáo Hà Ánh Phượng tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: AT

Đúng nhưng khó

Trao đổi với PV Tiền Phong, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho rằng đây là quan điểm đúng đắn, nhưng cũng rất khó khăn, cần cả một quá trình rất lâu dài, phải thực hiện từng bước như trong kết luận của Bộ Chính trị đã nêu.

Theo cô Phượng: "Để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học sẽ rất khó khăn, đặc biệt ở các vùng có điều kiện kinh tế chưa phát triển. Hơn nữa Tiếng Anh hiện tại không phải là ngoại ngữ duy nhất trong trường học do vậy các em sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn", cô Phượng nói.

Là giáo viên tiếng Anh trực tiếp đứng lớp ở một ngôi trường miền núi, cô cảm nhận rất rõ hệ quả của việc Bộ GD&ĐT đưa tiếng Anh trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hay tại nhiều tỉnh thành, môn học này cũng không được đưa vào tuyển sinh đầu cấp. Nữ giáo viên lo lắng, khoảng cách vùng miền ngày càng cách xa nhau hơn nếu chính sách này tiếp tục được thực hiện.

Mặt khác, cô Phượng cho rằng, nhiều học sinh có tâm lý thi gì học nấy, nếu không thi, các em có thể bỏ qua luôn môn học này, hoặc học một cách đối phó.

Trên thực tế, nhiều trường ở miền núi, qua khảo sát về nhu cầu học tiếng Anh, có khi một khối của cả trường chưa gom nổi một lớp sĩ số trên 30 em để học tiếng Anh bổ trợ hoặc chọn là môn thi tốt nghiệp.

Để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cô Phượng cho rằng, các địa phương cần phải xây dựng phong trào học tập ngoại ngữ một cách hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá và đưa môn tiếng Anh vào trong các kỳ thi đầu hoặc cuối cấp.

Ngoài ra, cấu trúc bài thi cần được chú ý, nên cân bằng về kỹ năng tiếng Anh và kiến thức ngôn ngữ. Các trường học cần được đầu tư cơ sở vật chất máy móc hiện đại để giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá. Ví dụ học sinh có thể thi định kì hay cuối kì cả 4 kĩ năng trên hệ thống máy tính của nhà trường một cách hiệu quả.

“Điều này sẽ hạn chế việc học sinh học tiếng Anh nhưng mãi vẫn không nghe/nói được”- cô Phượng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nữ giáo viên cho rằng các trường cũng nên xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh thông qua nhiều hoạt động gắn với văn hoá vùng miền.