> Những diễn đàn dấu ấn
> Tiền Phong những ngày ở chiến khu Việt Bắc
Giữa lúc phong trào thi đua tiết kiệm nói trên đang mở rộng, phóng viên báo Tiền Phong Hoàng Phong (sau này trở thành ủy viên Ban Biên tập báo Tiền Phong, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên) trong một chuyến đi công tác lên công trường khu Gang thép Thái Nguyên đã phát hiện một hiện tượng lãng phí gỗ lớn, hàng trăm mét khối gỗ chất đống trên đồi 39, có cây bị để mục, còn rất nhiều cột, ván, thanh gỗ có thể dùng được nhưng bị bỏ phí, trong khi gỗ đang thiếu nghiêm trọng trên công trường.
Bài phóng sự điều tra “Núi gỗ trên đồi 39” (Tiền Phong số 852) đã gây ra một tiếng vang lớn, khiến đoàn thanh tra của Chính phủ vừa từ công trường trở về đã phải quay lại để xem xét tình hình.
Phong trào thi đua vượt mức kế hoạch nhà nước ngày càng mở rộng và đi sâu vào các xí nghiệp công nghiệp. Ở đây, có những hạn chế, thiếu sót của công tác quản lý, khiến các sản phẩm làm ra chất lượng kém, không tiêu thụ được.
Báo Tiền Phong nhận được một số thư của khách hàng phàn nàn rằng, chất lượng của các động cơ do Nhà máy Điện cơ sản xuất ra quá xấu. Động cơ mới mua về đã bị hỏng, không dùng được. Để tìm hiểu nguyên nhân của sự việc này, báo Tiền Phong đã phải mời một số kỹ sư có kiến thức và kinh nghiệm thuộc Viện Thiết kế chế tạo cùng đi điều tra.
Thực tế cho thấy, nhà máy có những khó khăn khách quan nhưng nguyên nhân chủ yếu là do một số công nhân làm ẩu và lãnh đạo nhà máy không chú ý đến kỹ thuật, không kiểm tra mỹ thuật. Có nhiều sự việc chứng minh cho khuyết điểm này.
Qua điều tra, các cán bộ kỹ thuật, theo chức năng và quyền hạn của mình, đã chủ động yêu cầu giám đốc không cho xuất xưởng 150 động cơ có chất lượng xấu do làm ẩu và do tự động thay đổi thiết kế chế tạo, sản phẩm không đúng quy cách. Về phần mình, báo Tiền Phong lưu ý công nhân và ban giám đốc chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.
Trong năm 1963, báo Tiền Phong còn mở cuộc điều tra mới liên quan đến chất lượng xe đạp Thống Nhất không được tốt. Cũng như lần trước, báo mời một nhóm kỹ sư am hiểu kỹ thuật cơ khí, tham gia cuộc điều tra để bảo đảm tính xác thực của các bài phóng sự. Loạt bài phóng sự điều tra đi sâu vào lĩnh vực quản lý sản xuất và kinh doanh – một nhân tố mới trên mặt trận báo chí thời bấy giờ.
Nó có tác dụng đấu tranh loại trừ những hiện tượng tiêu cực trong sản xuất, đồng thời cũng có tác dụng bồi dưỡng kiến thức về kinh tế - kỹ thuật cho công nhân, cán bộ kỹ thuật trẻ và cả cán bộ Đoàn, đề cao trách nhiệm của họ đối với sản phẩm làm ra. Tác dụng ấy rất phù hợp với mục đích của cuộc vận động “Ba xây ba chống”.
Truyền thống chiến đấu qua các bài điều tra được đặt nền móng từ đầu những năm 60 ấy sau này được các PV Tiền Phong phát huy cao độ trong giai đoạn Đổi Mới, góp phần làm nên tiếng thơm và thương hiệu Tiền Phong.
Bên cạnh đó, trên mặt trận chính trị và tư tưởng, Tiền Phong xứng đáng đứng trong đội ngũ xung kích.
Những năm 60, các cán bộ và đoàn viên thanh niên rất quan tâm đến học tập và tu dưỡng hoàn thiện bản thân. Từ trong cuộc sống hằng ngày xuất hiện những tấm gương sáng để biểu dương, những biểu hiện tiêu cực để phê bình, những băn khoăn thắc mắc để giải đáp. Nhiều vấn đề có liên quan đến đạo đức, nhân cách, tác phong cần tranh luận công khai nhằm làm sáng tỏ đúng sai, phải trái. Chuyên mục “A lô! Tiền Phong đây” và “Diễn đàn thanh niên” được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của thanh niên lúc bấy giờ.
Vào dịp Đảng Lao động Việt Nam kỷ niệm 33 năm thành lập (tháng 2/1963), tòa soạn nhận được bức thư của Chi đoàn Thanh niên thuộc Chi cục Tổng cục Đường sắt phản ánh tâm tư nguyện vọng và những động cơ khác nhau của một số đoàn viên đối với vấn đề vào Đảng.
Tiền Phong hiểu nguyện vọng của 75 vạn đoàn viên lúc đó là mong muốn trở thành đảng viên, song nguyện vọng đó của họ thường vấp phải thái độ hẹp hòi của không ít tổ chức, cơ sở Đảng. Mặt khác, động cơ vào Đảng của một số đoàn viên cũng có những khuynh hướng thực dụng như dễ được tăng lương, đề bạt, cử đi học, thậm chí, có người muốn vào Đảng để dễ kiếm người yêu.
Chính vì vậy, Ban Biên tập quyết định cho đăng toàn văn bức thư nói trên, đồng thời nêu vấn đề vào Đảng để làm gì, và phấn đấu vào Đảng như thế nào. Trong vòng hai tháng, hàng trăm bức thư bạn đọc đã gửi đến tòa soạn để tham gia ý kiến, trong số đó có nhiều bài chất lượng, chân thành và cởi mở đã được tòa soạn sử dụng.
Để tổng kết cuộc thảo luận, báo đã mời đồng chí Lê Đức Thọ - ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng trực tiếp nói chuyện với trên 1.000 đoàn viên thanh niên Hà Nội về các vấn đề mục đích chiến đấu và lý tưởng của Đảng trong hệ thống chính trị của nước nhà, đoàn viên thanh niên nên phấn đấu vào Đảng như thế nào và Đảng luôn quan tâm đến việc phát triển Đảng trong thanh niên.
Còn nữa