Tiêm kích tàng hình Trung Quốc thực ra là bản nhái máy bay chết yểu của Nga?

TPO - Khi tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga bắt đầu đi vào giai đoạn sản xuất loạt, Moscow đang nỗ lực tìm cách xuất khẩu máy bay thế hệ 5 này cho những nước nhập khẩu vũ khí chính như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc.
MiG1.44

Trong nhiều năm qua, truyền thông Trung Quốc đã đặc biệt quan tâm theo dõi diễn tiến phát triển của tiêm kích Su-57 và coi đây là món hàng nhập khẩu hàng đầu của quân đội Trung Quốc.

Nhưng theo bài của National Interest, hiếm khi người ta hỏi ngược lại vấn đề: người Nga nghĩ sao về tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc?

Trong khi các bình luận của giới yêu quân sự Trung Quốc dành cho Su-57 đa phần là khen ngợi, người Nga có vẻ ít bày tỏ ý kiến về máy bay J-20. Trong một bài báo về quân sự của báo chí Nga nói về “lợi ích chung” khi đề cập khả năng Trung Quốc nhập khẩu Su-57, tác giả kết luận “rất khéo” rằng Su- 57 chẳng tốt hơn cũng chẳng tệ hơn J-20 mà bổ trợ cho nhau bởi mỗi máy bay có nhiệm vụ riêng. J-20 được thiết kế trên nền tảng tiêm kích tàng hình mang tên lửa có thể thâm nhập, vượt qua các hệ thống phòng không phức tạp của đối phương để tiêu diệt các mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc mục tiêu quân sự.

Su-57, mặt khác, lại tuyệt vời trên nền tảng chiếm ưu thế trên không, đổi năng lực tàng hình và tấn công mặt đất để lấy khả năng không chiến. Bài báo kết luận rằng Trung Quốc mua Su-57 không phải để thay thế, mà bổ trợ cho J-20.

 

Nhưng điều đáng nói hơn cả là đa số các bình luận của người Nga về máy bay J-20 là máy bay này có vẻ nhái ý tưởng của máy bay thế hệ 5 ra đời từ thời Liên Xô. Dmitry Drozdenko, phó tổng biên tập tạp chí “Khó vũ khí của tổ quốc” nói với Spunik rằng J-20 được nhái theo dòng máy bay MiG 1.44 chết yểu.

“Theo ý kiến của tôi, máy bay đó được thiết kế dựa trên tiêm kích MiG 1.44 của Nga. Máy bay đó (MiG 1.44) được thiết kế để cạnh tranh với PAK FA (Su-57) tại giai đoạn đầu phát triển và bay thử lần đầu tiên vào năm 2000. Chiếc máy bay của Trung Quốc rất giống nó. Mặc dù không được công bố chính thức, J-20 sử dụng động cơ AL-31F của chúng ta mà người Trung Quốc đã mua với giá trị hợp đồng nửa tỷ USD”. Bài báo dẫn ra thiết kế cánh phụ (canard) và cánh đuôi gần như giống hệt giữa hai loại máy bay.

Hãng tin TASS cũng có cùng ý kiến khi nói một số máy bay J-20 đang sử dụng động cơ AL31F và rằng J-20 cũng có thiết kế khí động học kiểu “con vịt” tương tự MiG 1.44, chỉ thiếu mỗi nước là nói toẹt ra rằng người Trung Quốc đã “tham khảo” thiết kế của MiG 1.44 khi phát triển J-20.

Về chuyện động cơ, các nhà bình luận quân sự Nga cũng có cùng ý kiến với giới bình luận phương Tây, tỏ ra nghi ngờ loại động cơ WS-15 do Trung Quốc sản xuất để trang bị cho J-20.  Các vấn đề trong thao diễn, tính ổn định đã khiến Trung Quốc phải dùng động cơ WS-10B cũ hơn trang bị tạm thời cho loạt J-20 đầu tiên.

Có tin đồn hồi năm 2018 rằng Trung Quốc đã khắc phục được lỗi của động cơ WS-15 nhưng chưa có gì xác nhận tin đồn này cho đến nay. Nhưng cũng cần phải nhắc lại rằng Nga chắc chắn muốn bán Su-57 cho Trung Quốc.  Và muốn thế thì phải chứng minh cái mà sản phẩm của mình có trong khi sản phẩm tự làm của Trung Quốc thiếu. Bây giờ tất cả chỉ còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thừa nhận, dù âm thầm, rằng tiêm kích tàng hình của họ có thực sự tồn tại nhiều khiếm khuyết như giới phân tích đã nói hay không.