Ai tung tin về vụ Mistral?
Ngày 25/8, hàng loại trang báo mạng và trang tin điện tử có uy tín của Nga như Sputniknews hay Interfax đưa tin, Paris đã phải trả cho Moscow hơn 1 tỷ euro phí bồi hoàn vì đã không hoàn thành hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho nước này.
"Tiền đã chuyển đầy đủ cho phía Nga, đó là hơn 1 tỷ euro" - nguồn tin này khẳng định và bác bỏ thông tin trước đó của Bộ tài chính Pháp là khoản bồi thường cho Nga của nước này “không tới 1 tỷ euro”.
Các trang báo mạng Nga cũng tuyên bố rằng, hồi đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã thông qua quyết định chung về việc chấm dứt hợp đồng đóng và cung cấp hai tàu sân bay trực thăng loại "Mistral", mà hai bên đã ký hồi tháng 6 năm 2011.
Tuy vậy, trước đó, trong một tuyên bố đưa ra ngày 14/8, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapen khẳng định, số tiền Pháp phải thanh toán vì hủy hợp đồng bán hai tàu đổ bộ trực thăng Mistral cho Nga sẽ ít hơn một tỷ euro, không phải là gần 1,2 tỷ euro như truyền thông Nga đưa tin.
Đồng thuận với Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng tuyên bố rằng, khoản tiền này không tới 1,2 tỷ euro.
Đồng thời, 2 bên cũng đồng thuận một vấn đề là đến tháng 9, nhóm chuyên gia đang được Nga triệu tập sẽ sang Pháp tháo dỡ các thiết bị và vật liệu mà họ lắp đặt trên tàu. “Sau khi tháo trả các thiết bị, Paris sẽ chính thức sở hữu hai con tàu này đổ bộ trực thăng này" - thông báo của điện Kremlin nêu rõ.
Pháp tìm mối bán tàu Mistral
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian gần đây tiết lộ nhiều quốc gia đã bày tỏ hứng thú về việc mua lại hai tàu chiến Mistral.
Vào ngày 25/8, một nguồn thạo tin cho biết ông Jean-Yves Le Drian đang xúc tiến thảo luận về việc bán cho Malaysia một trong hai tàu sân bay Mistral, vốn ban đầu được chế tạo để bán cho Nga, khi ông này tới thăm Malaysia.
Như vậy, thông tin này đã xác nhận tin tức được trang tin điện tử "latribune.fr" đăng tải trước đó. Trên đường trở về từ Malaysia, Bộ trưởng Le Drian sẽ có chuyến công du tới Ấn Độ để ký thỏa thuận bán 36 máy bay tiêm kích Rafale do Tập đoàn hàng không Dassault sản xuất. Một nguồn thạo tin cho hay thương vụ mua máy bay Rafale của Ấn Độ sẽ được kết luận trong vòng 10 ngày tới.
Trước đó, hồi tháng 2, Tập đoàn Dassault đã giành được hợp đồng xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale cho Ai Cập và sau đó Qatar cũng đã đặt hàng loại máy bay này. Hiện tập đoàn của Pháp cũng đang đàm phán với Malaysia và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) về hợp đồng tương tự.
Cũng theo trang tin "latribune.fr", Ấn Độ cũng bày tỏ quan tâm với tàu chở trực thăng Mistral của Pháp. Ngày 25/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xác nhận có một số khách hàng tiềm năng mong muốn mua 2 tàu sân bay Mistral của nước này.
Pháp mất bao nhiêu cho thương vụ Mistral?
Con số thiệt hại của Pháp khi không giao tàu Mistral cho Nga có thể từ 2-5 tỷ Euro. Vì ngoài hơn 1 tỷ tiền bồi thường cho Nga, Pháp còn mất khoảng 300 triệu euro tiền bến bãi và bảo trì 2 chiếc tàu Mistra đã đóng xong nhưng không thể bàn giao.
Pháp sẽ rất khó bán Mistral cho các nước khác khi có những chi tiết của con tàu này được thiết kế đặc biệt cho Nga. Và nếu muốn bán Pháp sẽ phải chi phí một khoản lớn để thay đổi các chi tiết này.
Đặc biệt theo giới phân tích, số liệu thiệt hại về tài chính có thể thay đổi tùy theo các ước tính khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng uy tín của Paris trong thị trường vũ khí đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Sức mạnh của Mistral
Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral dài 199 m, ngang 32 m, mớn nước 6,3 m, lượng choán nước 21.300 tấn (đầy tải). Tàu trang bị 4 tổ máy diesel Wartsila của Phần Lan, công suất 21 MW giúp con tàu đồ sộ này có thể quay 360 độ. Tàu được thiết kế chở quân và trang thiết bị phục vụ đổ bộ, tấn công.
Tàu có tốc độ tối đa 35 km/giờ, tầm hoạt động hơn 16.000 km liên tục 30 ngày, thuỷ thủ 160 người.
Tàu có thể vận chuyển 450 – 900 lính, 1 bệnh viện 69 giường (2 phòng mổ), chở được 16 trực thăng hạng năng hoặc 32 trực thăng loại nhẹ. Đường băng trên tàu bố trí 6 trực thăng.
Tàu còn chở được 13 xe tăng và 70 xe bọc thép hạng nhẹ. Tàu còn vũ trang thiết bị chiến tranh điện tử, ngư lôi, pháo hạm, phòng không…
Nga đã đặt Pháp đóng 2 tàu Mistral qua hợp đồng ký năm 2011 trị giá 1,2 tỉ euro (1,3 tỉ USD). Chiếc đầu tiên tên Vladivostok hạ thuỷ tháng 10.2013, chiếc thứ hai là Sevastopol cũng đã hoàn thành và đang chạy thử. Pháp không giao 2 tàu này cho Nga với lý do Nga sáp nhập Crimea và dính líu đến xung đột ở miền đông Ukraine.