Thương tiếc nhà thơ - nhà báo Trần Hòa Bình

TP- Trên đường đi công tác, ba giờ sáng 17/8 tôi nhận tin nhắn của Xuân Hồng ở Đài PTTH Bắc Giang: Có phải Trần mất? Tôi không tin. Gọi lại vào máy của bạn số 0913 22169... thấy ò í e.

Nhà thơ - nhà báo Trần Hòa Bình

Thôi rồi! Gọi vào máy một người bạn lúc năm giờ sáng nghe có tiếng ồn ào. Không có trả lời. Vậy là đang ở bệnh viện. Mươi phút sau Nguyễn gọi lại báo: “Bình mất rồi, đang ở nhà xác BV Việt - Đức...”. Không tin vào tai mình, tôi gọi lại một máy khác và vẫn không thể tin, dù đó là sự thật...

Vậy là hai mươi năm cát bụi dọc ngang đất Hà thành của nhà thơ, nhà báo tài hoa họ Trần đã chấm dứt đột ngột. Cái con người mà lúc sống mang vẻ ngoài bụi bặm, hiền lành mà tài hoa ấy giờ đã để lại một khoảng trống lớn trong lòng bè bạn. 

Nhà báo, nhà thơ, nhà giáo Trần Hòa Bình sinh năm 1956 tại Hà Tây. Ông mất đột ngột vì tai biến mạch máu não ngày 16/8/2008.

Lễ viếng nhà thơ Trần Hòa Bình diễn ra từ 7 giờ đến 10 giờ ngày 19/8 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Việt - Đức.

Tang lễ được tổ chức cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Hà Nội).

Mới mấy hôm trước Bình còn nhắn tin mời tôi đi uống không được, đã trách yêu: “Mời ông đi uống một chén rượu cỏ thôi sao mà khó thế!”. Vậy là tôi đành phải suốt đời nợ bạn cuộc rượu cỏ ấy. Tháng Sáu một tin nhắn, khác những tin chúc mừng ngày này mọi năm. Hẳn thầy giáo dạy môn Lịch sử báo chí cảm được việc đời nên nhắn rằng “Chẳng biết chúc gì, thôi thì chúc bạn bảo trọng là hơn!”...

Lang bạt kỳ hồ bấy nhiêu năm có lẽ là đi cho vợi bớt chuyện đời. Tuyệt nhiên không động chi đến chuyện vợ con. Chàng thi sĩ độc thân đến hôm nay tròn hai mươi năm. Gà trống nuôi con bằng cái dáng người cởi trần cặm cụi trên trang viết hay trên trang bản thảo báo chí đêm đêm. Bình được bạn bè xem là người tài hoa và cả đào hoa.

Làm thơ từ rất sớm, chàng trai xứ Đoài mang trong tâm hồn chút lãng mạn của đất Phủ Quảng nay là huyện Ba Vì (TP Hà Nội). Thầy giáo Đại học Sư phạm ấy không cam phận thầy giáo, anh đã ra Hà Nội làm báo và dạy báo chí. Thơ Trần Hòa Bình một giọng.

Tài hoa, nhưng anh viết ít, in ít thành thử đã để lại sự tiếc nuối ít nhiều trong lòng bạn đọc. Thôi thế cũng là quá đủ với anh. Một bài thơ Thêm một ba mươi năm đã là một trong những bài thơ tình đặc sắc, được tuyển chọn vào rất nhiều tập thơ Việt. Bài thơ như là một tiếng chuông gióng lên trước mọi cuộc tình, trước mọi tình yêu đôi lứa. Sự rắc rối của kẻ thứ ba thành dở dang mà với anh cái giá là một đời đơn côi. Bình sống giản dị chan hòa. Quanh năm quần bò, áo phông, ba lô, mũ cò... Thuốc lá nhuộm đen mấy ngón tay.

Sống bụi bặm thế, nhưng bên trong tâm hồn Bình là cả một trong trẻo, hồn nhiên dễ gần, dễ mến. Chả thế mà bao lứa sinh viên đã coi Bình như một thần tượng, quý anh cả về phong cách trẻ trung, sống tình cảm và vị tha. Cái quý nhất ở anh còn là sự đầy đặn của chữ nghĩa. Bao  nhà báo trẻ nhờ “dặt dẹo” với thầy Bình mà thành người... Anh truyền cho họ cái tài hoa trong từng câu chuyện mỗi ngày, dìu dắt họ vào nghề bằng vốn liếng chữ nghĩa của thầy và cả từng bữa cơm rau, rượu cỏ đạm bạc qua ngày... 

Chơi dài dài nhưng đêm đêm về ngồi vào bàn là thức thâu đêm. Bao nhiêu năm ở với anh, không đêm nào là Bình không thức và viết. Hàng nghìn bài báo cộng tác với mấy chục tờ báo, rồi thì về làm thêm “phó tổng” phụ trách nội dung cho một tờ báo bán chạy như tôm tươi, sau rồi nghe nói cơ quan đang công tác triệu hồi về vì chuyện chân ngoài chân trong gì đó...

Từ lâu nay anh còn phụ trách thêm mục Tầm Thư trên báo Tiền phong với những câu chuyện tư vấn về tâm lý trong lĩnh vực yêu đương vừa dí dỏm vừa đúng đắn. Tuy vậy ngoài đời chuyên gia tâm lý Tầm Thư vẫn rất cần có “chuyên gia tư vấn” khi anh vẫn phải độc thân khiến bạn bè trêu: Tử vi xem bói cho người... Số thầy thì để cho người  (đẹp)... nó tranh.

Mấy năm gần đây hình như linh cảm thấy một điều gì đó của đời mình, Bình có vẻ mặt buồn hơn trước. Thi thoảng gọi nhau đi uống nhưng tâm trạng anh hình như bất an. Đào hoa thì hẳn rồi. Lúc nào cũng có em gái trẻ trung gọi điện nhắn tin nghe có vẻ đắm đuối lắm, nhưng... Ngoài năm chục, con gái lớn rồi, mà anh vẫn cô đơn vò võ. Bạn gái thì nhiều nhưng biết lấy ai bây giờ! Bình thường than thế, mỗi khi anh em vui chuyện động viên anh cưới vợ.

Bây giờ thì anh đột ngột bỏ đi không thèm nhắn gì nữa rồi. Tiếc thương quá một tài hoa, một người bạn tốt. Bình ơi!!! 

Hà Nội sáng ngày 17/8/2008

Trần Hòa Bình

Thêm một

Thêm một chiếc lá rụng,

Thế là thành mùa thu.

Thêm một tiếng chim gù,

Thành ban mai tinh khiết.

Dĩ nhiên là tôi biết,

Thêm một - lắm điều hay.

Nhưng mà tôi cũng biết,

Thêm một - phiền toái thay!

Thêm một lời dại dột,

Tức thì em bỏ đi.

Nhưng thêm chút lầm lì,

Thế nào em cũng khóc.

Thêm một người thứ ba,

Chuyện tình đâm dang dở.

Cứ thêm một lời hứa,

Lại một lần khả nghi.

Nhận thêm một thiệp cưới,

Thấy mình lẻ loi hơn.

Thêm một đêm trăng tròn,

Lại thấy mình đang khuyết.

Dĩ nhiên là tôi biết,

Thêm một lắm điều hay.

Nguyễn Xuân Hồng

“Thêm một chiếc lá rụng…”

(Thương tiếc nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình, thương tiếc Tầm Thư)

Giá như đừng thêm nuối tiếc

Chắc gì Bình đã vội đi

Giá như đừng thêm lá rụng

Giờ đây, Bình sẽ làm gì?

Sớm này, nghe tin bạn đi

Chiếu rượu vẫn còn nguyên  chén

Đắng lắm, nhưng ai cũng  cạn…

Chén Bình, rượu mãi tràn  rơi…

Ngẫm buồn cho chén rượu thôi

Bình uống hay hồn Bình uống

Bọn mình lặng im tưởng tượng

Rằng Bình đang mải Tầm Thư

Giá mà ta được ví như

Giá mà ta đang mộng mị

Giá như nỗi niềm giản dị

Bình vào trong cõi Tầm Thư…

Ví mà ta được giá như

Xin đừng có ngày thêm một…

Bắc Giang ngày 17/8/2008

20 năm Tầm Thư gỡ rối

Năm 1988, khi tờ Tiền phong Chủ nhật ra đời (nay là Tiền phong Cuối tuần), chuyên mục 100 câu hỏi thường ngày được khai sinh, Trần Hòa Bình được Tiền phong tin tưởng giao phụ trách chuyên mục. Ngay từ số đầu tiên, chuyên mục đã được bạn đọc nhiệt liệt hưởng ứng. Anh trở thành Tầm Thư từ đấy.

Trung bình mỗi ngày tòa soạn nhận được khoảng 60 bức thư nhờ Tầm Thư gỡ rối. Có lần nhận thư của một bạn đọc là thanh niên xung phong, quê ở Thái Bình, năm 1974 phục vụ ở cung đường Trường Sơn.

Trong một lần bom địch đánh phá ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc chị đã trao cho chàng lái xe tất cả... Năm 1975, chị khoác ba lô trở về địa phương với cái bụng vượt mặt. Bị xóm làng và người thân hắt hủi trong khi cái thai trong bụng thì quẫy đạp đòi sống, chị chỉ còn biết cắn răng mà khóc.

Hận đời, sinh xong, chị gửi con lại cho ông bà ngoại, rồi xuống tóc đi tu. Đứa nhỏ lớn lên cùng với mặc cảm tủi hổ, nhất là những lúc bị bạn bè trêu chọc là đứa con hoang... 30 năm sau, một lần tình cờ biết được tin mẹ mình còn sống, anh con trai mừng như điên dại tìm đến ngôi chùa ở tỉnh Khánh Hòa tìm mẹ. Giây phút gặp nhau họ đã linh cảm ngay họ là ruột thịt.

Nhưng anh ta đã như bị giội gáo nước lạnh khi ni cô nói: Cậu nhầm rồi, tôi không có một người con nào cả! Người con trai thất vọng xuống núi. Chị đã đứng như trời trồng nhìn theo bóng con mình khuất dần dưới ánh chiều tà... Nhưng sau đó, chị ấy đã khóc ròng cả tháng trời trước khi viết thư cho Tầm Thư: “Tầm Thư ơi! Tôi không biết anh là ai... Anh khuyên tôi nên xử sự thế nào? Tôi đang dằn vặt, giằng xé khi lựa chọn: Có nên cho con tôi biết sự thật không? Hay là cứ để nó nghĩ bố mẹ mình đã chết thì hơn? Như thế nó buồn đấy nhưng sẽ được thanh thản”. Chị ấy đang sống mà chấp nhận mình như đã chết...

Những chuyện như vậy, anh thường đọc rồi suy nghĩ rất kỹ, rồi tự đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc, đưa ra các giả thiết để so sánh rồi chọn lấy một. Sau cùng là chọn giọng điệu cho thích hợp để viết trả lời... Cứ như vậy, suốt 20 năm qua, chuyên mục 100 câu hỏi thường ngày do anh phụ trách sống cùng bạn đọc.