Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Kỳ vọng 3 đột phá

TPO - Trong thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra hôm nay và ngày mai tại Hà Nội, nhiều nước trên thế giới trông chờ 3 bước đột phá sẽ diễn ra.

Báo chính trị Mỹ The Hill đưa tin, trước khi rời Washington tới Hà Nội, Tổng thống Trump nói: “Chúng ta sẽ có một thượng đỉnh rất phi thường”.

Và dưới đây là 3 điều nhiều nước kỳ vọng tại thượng đỉnh Trump-Kim lần này, The Hill viết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa xuống cầu thang máy bay vừa vẫy tay chào các đại biểu và người dân Thủ đô ra đón tại sân bay quốc tế Nội Bài tối 26/2.

Định nghĩa phi hạt nhân hóa và đạt tiến triển

Mục tiêu bao trùm của ngoại giao Mỹ đối với Triều Tiên là phi hạt nhân hóa nhưng Mỹ và Triều Tiên chưa đồng thuận về định nghĩa phi hạt nhân hóa. Triều Tiên lâu nay cho rằng phi hạt nhân hóa bao gồm việc Mỹ từ bỏ dùng hạt nhân để bảo vệ Hàn Quốc. Đây là điều mà phía Mỹ từ chối.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump nói rằng, định nghĩa phi hạt nhân hóa là một lĩnh vực mà họ tin rằng có thể đạt được tiến triển tại thượng đỉnh lần hai. Trước cuộc gặp ở Hà Nội, các nhà thương thuyết đã cùng thảo luận về định nghĩa này.

Và các nhà quan sát đang tìm hiểu xem liệu Bình Nhưỡng có đồng ý có những bước đi cụ thể về phía phi hạt nhân hóa, ví dụ cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát việc dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

“Có nhiều thứ ông ấy (Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un) có thể làm để thể hiện cam kết của mình đối với phi hạt nhân hóa. Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết về các đề nghị của hai bên nhưng có lẽ một bước đi thực sự, một bước đi có thể kiểm chứng được là điều mà tôi biết Tổng thống Trump đang rất tập trung đạt được”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với hãng tin Mỹ CNN trước khi bay tới Hà Nội.

Ra tuyên bố hòa bình để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên

Nhiều nước đang mong đợi Tổng thống Trump nhất trí về một tuyên bố hòa bình để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc chiến chấm dứt năm 1953 với một thỏa thuận đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, Chiến tranh Triều Tiên vẫn diễn ra.

Ý tưởng về việc trở thành một người cuối cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên dường như hấp dẫn Tổng thống Trump. Ông thường có những phát ngôn về việc có thể đạt giải Nobel Hòa bình cho nỗ lực của mình đối với vấn đề Triều Tiên.

Những người ủng hộ nói rằng, việc ra một tuyên bố như vậy sẽ dọn đường cho việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều bằng cách tuyên bố rõ ràng Chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt. Điều này sẽ không dẫn tới các tác động tiêu cực đáng kể nào vì tuyên bố hòa bình không phải là một hiệp ước.

Một hiệp ước hòa bình chính thức sẽ cần được ký bởi các bên từng ký thỏa thuận đình chiến và cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Vì thế, khả năng ra một tuyên bố hòa bình sẽ cao hơn khả năng ký kết hiệp ước hòa bình.

Các quan chức Hàn Quốc, bao gồm Tổng thống Moon Jae-in nằm trong số những người ủng hộ ra tuyên bố hòa bình. “Chúng tôi không biết khuôn khổ của một tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ như thế nào nhưng có khả năng Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được đồng thuận về vấn đề này”, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời Kim Eui-kyeom, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc.

Nhưng những người phản đối lập luận rằng, tuyên bố hòa bình không có nhiều ý nghĩa vì đó không phải là một hiệp ước. Thậm chí họ cho rằng, nó có thể dẫn tới những tác động tiêu cực đối với một số nước cụ thể, ví dụ việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un bày tỏ tình cảm thân mật với thiếu nhi Hà Nội tại lễ đón ở khách sạn Melia sáng 26/2. Ảnh: TTXVN.

 Nhất trí về mở văn phòng liên lạc

Giới chức Mỹ đã và đang thảo luận về khả năng thành lập văn phòng liên lạc với Triều Tiên. Đây là một phần trong gói đề xuất. Những người ủng hộ đề xuất này nhận định, đây là một cách để tăng cường liên lạc với Bình Nhưỡng mà không làm giảm sức nặng của các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, việc mở văn phòng liên lạc là trao thưởng sớm cho Triều Tiên – cụ thể là bình thường hóa quan hệ một phần trước khi Triều Tiên có những bước đi lớn về phía phi hạt nhân hóa.

Việc thành lập văn phòng liên lạc không phải là ý tưởng mới. Trong một thỏa thuận năm 1994 đã có điều khoản mở văn phòng liên lạc. Năm đó, Mỹ và Triều Tiên thương lượng rất nhiều về việc thành lập văn phòng liên lạc. Mỹ thậm chí ký thỏa thuận thuê mặt bằng để sử dụng một phần cơ quan đại diện ngoại giao của Đức để làm trụ sở văn phòng liên lạc.

Tuy nhiên, cuối năm 1995, Triều Tiên thông báo với Mỹ rằng họ hủy việc trao đổi. Đến nay người ta vẫn chưa rõ lý do nhưng nhiều báo cáo cho rằng nó liên quan việc một máy bay trực thăng của quân đội Mỹ bị bắn hạ khi bay qua khu phi quân sự cuối năm 1994.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un xuống tàu hỏa tại ga Đồng Đăng sáng 26/2. Ảnh: TTXVN.

Những bất ngờ khác

Với Tổng thống Trump, người ta trông chờ ông đưa ra những quyết định bất ngờ. Tại cuối cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, ông Trump tuyên bố tạm ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, gọi đó là những “trò chơi chiến tranh” quá tốn kém. Tuyên bố của ông khiến Lầu Năm Góc và Hàn Quốc nghĩ đến một tuyên bố tương tự ở Hà Nội hôm nay hoặc ngày mai.

Ví dụ, Tổng thống Trump sẽ đồng ý rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra vì Washington và Seoul đầu tháng này đã đạt được thỏa thuận mới về chia sẻ chi phí đối với lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Và tuần trước, Tổng thống Trump khẳng định, việc rút quân khỏi Hàn Quốc “không phải là một trong các nội dung bàn thảo”.

Tuy nhiên, sau đó khi bị hỏi riết về vấn đề này, ông Trump nói: “Mọi thứ được đưa ra để thảo luận. Mọi thứ”.