Theo Đông y, trúc nhự vị ngọt hơi đắng, tính mát; vào vị đởm; trúc lịch vị ngọt, tính lạnh; vào kinh tâm vị. Trúc nhự và trúc lịch tác dụng thanh nhiệt hoá đàm, thanh vị chỉ ẩu, lương huyết chỉ huyết.
Dùng cho các trường hợp nôn ói mửa, nấc cụt, ho suyễn, thổ huyết chảy máu cam; nôn ói do nhiễm độc thai nghén thời kỳ đầu, động thai. Liều dùng: 6 - 10g khô, 30 - 60g tươi; bằng cách nấu sắc, hãm. Sau đây là cách dùng trúc nhự và trúc lịch làm thuốc:
Viêm đại tràng mạn tính thể táo: trúc nhự 8g, sài hồ 12g, đương quy 12g, nhân trần 12g, chi tử (sao) 12g, vỏ cây khế 12g, đảng sâm 12g, chỉ thực 12g, thương truật 12g, bạch thược 12g, táo nhân (sao đen) 12g, cúc hoa 8g, bạc hà 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa viêm thanh quản nói không ra tiếng: trúc nhự 12g, lá tre 12g, tang bạch bì 12g, thổ bối mẫu 8g, thanh bì 8g, cát cánh 8g, nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống.
Chữa viêm phổi giai đoạn đầu: trúc nhự 8g, kim ngân 15g, sài đất 15g, bồ công anh 15g, kinh giới 15g, cỏ mần trầu 15g, tang bạch bì 12g, hạnh nhân 8g. Sắc uống.
Chữa hen phế quản khi đang lên cơn hen: trúc lịch 20ml, tang bạch bì 20g, hạnh nhân 12g, hoàng cầm 12g, bán hạ chế 8g, ma hoàng 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị nôn khi mang thai: trúc nhự 6g, đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, í dĩ 12g, trần bì 8g, bán hạ chế 8g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống trong ngày.
Cháo trúc nhự: trúc nhự tươi 30g, gạo tẻ 50g. Trúc nhự nấu lấy nước, đem nước nấu cháo gạo (cháo loãng), cho ăn ít một dần dần. Dùng cho các trường hợp viêm dạ dày ruột nôn ói (vị nhiệt ẩu thổ).
Quất nhự ẩm: trúc nhự tươi 30g, quất bì tươi hoặc trần bì tươi 30g, mứt hồng 30g, chỉ xác 8g, gừng tươi 4g. Các dược liệu nấu lấy nước (bỏ bã) thêm đường cho uống. Dùng cho phụ nữ nhiễm độc thai nghén nôn ói; hẹp môn vị do viêm nề gây hẹp sau phẫu thuật vùng bụng, có triệu chứng nôn mửa, nôn ra thức ăn.