Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam...
Đây được cho là phản ứng “nóng” rất nhanh nhạy, đặc biệt cần thiết và hài hòa của Việt Nam trước việc ngày 3/4 (giờ Việt Nam) chính quyền Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng mới với hàng loạt quốc gia, trong đó áp mức 46% cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ - mức thuế thuộc nhóm cao nhất thế giới, có hiệu lực từ ngày 9/4 tới đây.
Trước chính sách thuế quan được xem là lịch sử này, mỗi quốc gia hẳn sẽ có một thái độ phản ứng, và sách lược đối phó khác nhau. Nhưng Việt Nam ngay lập tức đã chọn cách đối thoại, đàm phán song phương, sòng phẳng nhằm cân bằng tối đa mọi nghĩa vụ và quyền lợi của đôi bên. Thủ tướng Chính phủ cũng đã lập Tổ “phản ứng nhanh” để kịp thời có giải pháp, đối sách với chính sách thuế mới của Mỹ. Và hôm nay ngày 6/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác bắt đầu sang Mỹ...
Ai đó đã nói rằng hầu hết mọi người có thể có tự do và công lý, nhưng chỉ rất ít người là được giảm/miễn thuế. Để thấy thuế là tất yếu của mọi thời đại.
Thì ra câu nói quen thuộc "Trả Caesar những gì của Caesar" là liên quan đến thuế. Trong Kinh Tân ước, Chúa đã dạy “Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar, và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Được hiểu theo ý, về mặt đời sống, hãy làm tròn nghĩa vụ đóng thuế cho Julius Caesar (100 - 44 TCN) – hoàng đế của đế quốc La Mã, còn những gì thuộc về tâm linh thì hãy dành cho Chúa Trời.
Trong công thức và biểu giá thuế đang khiến cả thế giới chao đảo, ai là Caesar? Đó có thể là Mỹ, là Việt Nam, là bất kỳ quốc gia hay định chế kinh tế nào tham gia vào dòng chảy thương mại quốc tế. Một dòng chảy liền mạch mang tính chất tương hỗ và phụ thuộc lẫn nhau. Chứ không thể là độc quyền của riêng ai, cũng không ai có toàn quyền áp đặt luật chơi lên tất cả mà riêng mình lại an toàn để thu lợi. Bởi vậy Caesar nghĩ cho cùng chính là quy luật của thị trường thế giới với những nguyên tắc - nghĩa vụ công bằng, nghiêm túc và đạo lý của nó. Chứ không thuộc về một cá nhân hay quốc gia nào một cách tuyệt đối.
Sau chính sách thuế quan của Mỹ, cho thấy xu hướng các quốc gia đã không im lặng chấp nhận thua thiệt, mà đều đã lên tiếng, nhằm đưa ra một chính sách hài hòa hơn giữa nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Đồng thời nỗ lực điều chỉnh chính sách trong nước để cân bằng hơn nữa cán cân thương mại với Mỹ, trên tinh thần cùng có lợi. Những thị trường mới, mối liên kết mới cũng đang ráo riết được khai phá, kiếm tìm...
Chủ quyền quốc gia và công bằng thương mại là những giá trị nền tảng. Sự cân bằng quyền lực, luật pháp quốc tế và đạo lý vẫn phải được tôn trọng.