Giá xăng liên tục hạ:

Thực phẩm giảm giá, người mua vẫn hững hờ

TP - Giá xăng dầu giảm 7 lần từ đầu năm đến nay, đến lượt giá thực phẩm cũng phải hạ theo. Tuy nhiên, lý do chủ yếu vẫn là do sức mua yếu.

Nhiều siêu thị giảm giá, khuyến mại vẫn không thu hút được khách hàng. Ảnh: Duy Bách

Sức mua không cải thiện

Chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội) sáng 20/10, nhiều mặt hàng thực phẩm giảm nhẹ. Cụ thể, các loại thịt giảm giá từ 5-10 nghìn đồng. Bên cạnh đó, các mặt hàng rau xanh có xu hướng giảm mạnh từ 3-5.000 đồng/kg...

Tại các chợ truyền thống như: Chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội)..., giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống và rau xanh giảm từ 10 – 15% so với tháng trước.

Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán rau tại chợ Hôm cho biết: “Giá rau xanh giảm một phần bởi tác động xăng dầu, nhưng chủ yếu do rau vào vụ. Có loại rau thấp hơn so với đầu tháng vài nghìn đồng nhưng lượng tiêu thụ không tăng”.

Ông Văn Đức Mười, Tổng GĐ Vissan cho biết, hiện nay lượng heo tăng lên sau khi người nông dân tái đàn. Cung nhiều hơn cầu nên giá heo hơi đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg còn 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Mười, từ nay đến Tết, giá thịt heo còn tiếp tục biến động. Giá heo hơi ở miền Nam thường rẻ hơn miền Bắc 20%.

Tại hệ thống các siêu thị lớn như: Big C, Co.opmart, Fivimart, Lotte mart, Ocean mart ở Hà Nội... đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn như: Giảm giá các mặt hàng thịt heo, thịt gà theo giờ. Tại siêu thị Big C, thịt gà quay còn: 69.000 đồng/con.

Mặc dù tích cực giảm giá, khuyến mại nhưng sức mua của người tiêu dùng tại chợ truyền thống và siêu thị không cao. Lý giải việc này, đại diện siêu thị Ocean mart (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Hệ thống siêu thị nội đang phải cạnh tranh gay gắt với siêu thị nước ngoài. 2014 là năm “đổ bộ” các siêu thị lớn gia nhập vào thị trường Hà Nội như: Hàn Quốc, Thái Lan...

Ngành vận tải phải giảm giá trước

Bà Vũ Thị Hậu-Phó Tổng GĐ hệ thống siêu thị Fivimart, cho hay: “Sức mua giảm là quy luật tất yếu khi người dân đang thắt chặt chi tiêu bởi kinh tế khó khăn. Xăng giảm khiến đầu vào nhiều mặt hàng giảm, nhưng mức giảm không nhiều vì mỗi lần xăng giảm chỉ vài trăm đồng. Trong khi đó, siêu thị thường ký hợp đồng với nhà cung cấp có giá trị điều chỉnh tăng giảm từ 3 - 6 tháng”.

Bà Hậu cũng khẳng định thời gian tới, hệ thống siêu thị tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá sâu hơn, bán hàng ưu đãi và tặng quà cho khách hàng quen để cải thiện sức mua.

“Cần phải đặt câu hỏi cho ngành vận tải. Các cơ quan quản lý giá cả cũng phải vào cuộc xem giá cả như thế đã hợp lý hay chưa. Rõ ràng khi chi phí vận tải giảm do giá xăng dầu giảm, lợi nhuận sẽ tăng. Cơ quan quản lý phải dùng công cụ thuế, phí để điều chỉnh hợp lý ngành này”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, mức giảm tại chợ truyền thống và siêu thị không nhiều bởi giá cả hàng hóa đang ở mức ổn định. Hiện, siêu thị giảm giá chủ yếu hàng tồn kho.

“Số doanh nghiệp giải thể vẫn cao hơn doanh nghiệp thành lập mới; tiền lương không cải thiện nên khả năng thanh toán không có. Trước đây, tiểu thương bán cả con lợn, nay chỉ dám bán nửa con”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, muốn cải thiện sức mua thì trước hết cần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Chừng nào doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ chỉ ở mức thấp.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có hai nguyên nhân chính khiến các mặt hàng chưa giảm sâu: Nếu tính tổng sau 15 lần điều chỉnh, giá xăng có giảm hơn 2.000 đồng/lít là lớn.

Tuy nhiên, mỗi lần giảm với biên độ hẹp, hầu như không tác động đến các loại hàng hóa ở từng thời điểm biến động. Ngành vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, lại không giảm, các hàng hóa tiêu dùng sao lại giảm?