Thực hư tin 2.300 binh sĩ Armenia thương vong vì Azerbaijan

TPO - Azerbaijan tuyên bố đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 2.000 binh sĩ Armenia trong các cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Binh sĩ Armenia nã pháo về phía Azerbaijan hôm 29/9. Ảnh: Reuters

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết khoảng 2.300 “quân địch” đã thiệt mạng và bị thương kể từ khi cuộc giao tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh nổ ra hôm Chủ nhật.

Ngoài ra, một hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Armenia đã bị phá hủy ở Karabakh, cùng với khoảng 130 xe tăng và hơn 200 khẩu pháo.

Binh sĩ Armenia trên chiến tuyến. Ảnh: Reuters

Armenia trước đó bác bỏ tuyên bố của Azerbaijan về việc hàng trăm binh sĩ nước này đã thiệt mạng. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia – Shusan Stepanyan cho biết đã có ít nhất 16 quân nhân bỏ mạng.

Trong khi đó, lực lượng ở Nagorno-Karabakh (li khai khỏi Azerbaijan) báo cáo rằng 80 binh sĩ của họ đã bị tiêu diệt.

Lễ chiêu quân của Armenia sau khi chiến sự với Azerbaijan nổ ra hôm 27/9. Ảnh: Reuters

Giao tranh ác liệt giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra vào ngày 27/9 sau khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn năm 1994.

Các cuộc đụng độ kéo dài đến sáng nay, 30/9, khi Azerbaijan cáo buộc Armenia nã pháo vào thị trấn Tartar ở phía Tây nước này.

Bộ Quốc phòng Armenia trong khi đó cho biết 2 máy bay không người lái của Azerbaijan đã bị bắn rơi ở thành phố Stepanakert của khu vực Karabakh.

Azerbaijan được đồng minh lâu năm của mình là Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn công khai.

Hôm thứ Ba, quân đội Armenia tuyên bố rằng máy bay chiến đấu Su-25 của nước này đã bị một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều phủ nhận thông tin này.

Theo luật quốc tế, Nagorno-Karabakh được công nhận là một phần của Azerbaijan. Nhưng những người Armenia (chiếm phần lớn dân số nơi đây) lại bác bỏ sự cai trị của người Azerbaijan.

Họ điều hành công việc của riêng mình với sự hỗ trợ từ Armenia, kể từ sau khi Nagorno-Karabakh ly khai khỏi Azerbaijan trong một cuộc xung đột bùng nổ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Mặc dù một lệnh ngừng bắn đã được thông qua vào năm 1994, nhưng Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh Nagorno-Karabakh và dọc theo biên giới.

Theo Theo RT