Như Tiền Phong đã thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ngày 9/1, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Nguyễn Phong Cầm ban hành Quyết định số 32/QĐ - UBND, áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng công trình đối với công trình xây dựng vi phạm trật tự tại số 8B Lê Trực. Quyết định số 32 yêu cầu, Cty Cổ phần May Lê Trực: Tháo dỡ diện tích xây dựng vi phạm sai so với Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 của Sở Xây dựng; Chủ tịch UBND phường Điện Biên có trách nhiệm giao quyết định đến Cty Cổ phần May Lê Trực; Ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn, thẩm tra phương án phá dỡ. Phương án phá dỡ phải đảm bảo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.
Trong lúc UBND phường Điện Biên đang xây dựng phương án phá dỡ theo Quyết định cưỡng chế số 32 của UBND quận Ba Đình, ngày 19/1, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội bất ngờ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Hùng trả lời Công văn số 575/CVDA ngày 6/1/2016 của Cty Cổ phần May Lê Trực đề nghị “tiếp tục thi công phá dỡ để bảo vệ kết cấu, tuổi thọ công trình; điều chỉnh biện pháp thi công, tiến độ phá dỡ phần xây dựng sai phép tại số 8B Lê Trực”. Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo “Cty Cổ phần May Lê Trực tập trung phá dỡ phần công trình vi phạm tại số 8B Lê Trực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội”.
Nội dung văn bản của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội không nhắc đến Quyết định cưỡng chế số 32 của UBND quận Ba Đình, như vậy có thể hiểu, thành phố Hà Nội đã chấp thuận phương án để chủ đầu tư tiếp tục phá dỡ theo đề xuất tại Công văn số 575/CVDA ngày 6/1/2016 (?).
Giải thích văn bản của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, một đại diện UBND quận Ba Đình cho rằng: Nếu thực hiện theo quyết định cưỡng chế đã ban hành, UBND phường Điện Biên và các đơn vị chuyên môn phải quay lại thực hiện từ đầu việc mời đơn vị tư vấn, thẩm định phương án, đảm bảo an toàn… Thời gian để hoàn thành các thủ tục trên có thể kéo dài vài tháng. Phương án phá dỡ của Cty Cổ phần May Lê Trực đã được thẩm định kỹ lưỡng nên việc cho tự phá dỡ tiếp là phù hợp, vấn đề mấu chốt là phải tăng cường giám sát tiến độ phá dỡ của chủ đầu tư cho đúng cam kết.
Liên quan đến thông tin này, ngày 22/1, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định thành phố không chỉ đạo và không có bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc bỏ lệnh cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm tại công trình 8B Lê Trực và cũng không có văn bản đồng ý để Công ty cổ phần may Lê Trực được phép phá dỡ.
Thời gian qua, do công ty tự phá dỡ chậm nên thành phố đã giao quận Ba Đình lên phương án để đẩy nhanh tiến độ cưỡng chế.
Tuy nhiên, khi quận Ba Đình đang trong quá trình lên phương án cưỡng chế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Công ty cổ phần may Lê Trực cần đẩy nhanh tiến độ phá dỡ, chứ không phải là có văn bản giao hẳn cho công ty này thực hiện toàn phần...