Thực hư thông tin gạo ST25 vừa đoạt giải ngon nhất thế giới

TPO - Theo Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thưởng gạo ngon nhất thế giới vừa diễn ra tại Philippines được trao cho gạo Việt Nam chứ không phải trao cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Đây là thông tin chính thức do ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao (NN&PTNT) - khẳng định tại buổi họp báo giới thiệu về Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, với chủ đề “Green Rice for Life - Gạo xanh, Sống lành” diễn ra tại TPHCM, ngày 1/12.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Theo ông Cường, tại Hội nghị lúa gạo quốc tế TRT 2023 tổ chức tại Cebu - Philippines từ ngày 28 - 30/11, gạo Việt Nam đã được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Năm nay Việt Nam có 3 doanh nghiệp với 6 loại gạo dự thi. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi với gạo ST24 và ST25, Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn Thái Bình Seeds dự thi gạo TBR39-1 và nếp A Sào.

Kết quả chung cuộc, gạo Việt Nam trở thành gạo ngon nhất thế giới, gạo Campuchia xếp thứ 2, gạo Ấn Độ xếp vị trí thứ 3.

“Từ năm 2022 cho đến nay, Ban tổ chức cuộc thi gạo ngon thế giới không trao giải cho bất kỳ giống gạo nào cụ thể, mà trao cho quốc gia. Nghĩa là lần này giải nhất gạo ngon nhất thế giới được trao cho gạo Việt Nam chứ không riêng bất cứ đơn vị nào” - ông Cường khẳng định.

Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, Cục sẽ đề xuất Bộ NN&PTNT có những phần thưởng tôn vinh cho các doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành gạo ngon nhất thế giới.

Liên quan Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam 2023, đây là lần đầu tiên Festival quốc tế được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. Festival sẽ diễn ra từ ngày 11 - 14/12. Đây là sự kiện chào mừng xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục mới, với 7,1 triệu tấn gạo và 4 tỷ USD sau 10 tháng. Với kết quả này, dự kiến cả năm nay, xuất khẩu gạo sẽ chạm mốc 8 triệu tấn và kim ngạch đạt 4,5-4,8 tỷ USD...

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Đặc biệt, tại Festival lần này sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Từ đó truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính được Thủ tướng công bố tại Hội nghị COP26.

“Đề án sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung” - Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 gồm nhiều hoạt động triển lãm, hội nghị với các chủ đề chính, như: Hội thảo Đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi; Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới; Hội thảo Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo.

Bên cạnh đó là các hoạt động bên lề như Trình diễn công nghệ canh tác lúa gạo; Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam; các chuyến đi thực địa giới thiệu đến bạn bè quốc tế những mô hình, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long...