Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin với cử tri về dự án điện khí 12 tỷ USD

TPO - Chiều 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn quận Ô Môn trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Thủ tướng đã giải đáp kiến nghị của cử tri về dự án điện khí Ô Môn có tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD.

Cử tri Lý Văn Dũng (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Cần Thơ) hỏi về Dự án Dự án đường dẫn khí lô B và trung tâm nhiệt điện Ô Môn đang dừng triển khai. Theo ông Dũng, dự án triển khai năm 2010, năm 2012 tạm dừng tới nay, khi đang dừng ở bước kiểm kê để giải phóng mặt bằng.

"Tôi đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm triển khai dự án. Tình trạng này kéo dài (tạm dừng triển khai - PV) sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án", ông Dũng kiến nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giải đáp các kiến nghị của cử tri quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.

Còn cử tri Nguyễn Phan Thịnh (phường Thới Hoà, quận Ô Môn) nêu vấn đề nắng nóng, hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra những năm gần đây tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thời tiết cực đoan ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng. Dự báo, thời gian tới tình trạng này còn gay gắt hơn.

"Xin kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có giải giáp đồng bộ, hiệu quả để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có TP. Cần Thơ", cử tri Thịnh nói.

Cử tri trên địa bàn quận Ô Môn nêu kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ. Ảnh: Nhật Huy.

Thông tin đối với ý kiến của cử tri về dự án đường dẫn khí lô B và 3 nhà máy nhiệt điện khí tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Thủ tướng cho biết, dự án này có từ năm 2010, năm 2012 mới khởi động, rồi tạm ngưng đến nay với nhiều lý do.

Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, TP. Cần Thơ hiện cơ bản giải quyết xong các thủ tục để bắt đầu đi vào khai thác khí. Tổng mức đầu tư dự án dẫn khí lô B và trung tâm nhiệt điện Ô Môn khoảng 12 tỷ USD.

“Năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3 và 4 sẽ vận hành đóng điện vào giai đoạn năm 2026 - 2028”, Thủ tướng thông tin.

Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ thông tin thêm, ngày 11/4/2024, chủ đầu tư dự án đã trình Bộ Tài Nguyên và Môi trường khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thẩm tra, làm cơ sở trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Hiện, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Cần Thơ phối hợp với chủ đầu tư trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai Dự án theo quy định.

Đối với các dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3, 4, Thành phố tiếp tục đồng hành với chủ đầu tư thực hiện dự án, giải phóng mặt bằng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.

"Hiện, các Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3, 4 đã được giải phóng mặt bằng sạch. Tuy nhiên, còn vướng về bàn giao đất trên thực địa, việc chia sẻ hạng mục dùng chung giữa các nhiệt điện", ông Trường nói.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.

Về giải pháp chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho biết, đã giao các bộ ngành xây dựng Đề án tổng thể ứng phó. Năm 2023, ngân sách đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng cho nhiệm vụ này, và tiếp tục ưu tiên bố trí trong năm nay.

Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP. Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Cùng ngày, Thủ tướng đã kiểm tra công trường Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Dự án chống sạt lở bờ sông trên địa bàn Cần Thơ.

Với dự án đường cao tốc, Thủ tướng giao lãnh đạo TP. Cần Thơ đối thoại với người dân phải nhường đất cho dự án nhưng chưa di dời, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 5/2024. Về nguồn cát cho các dự án, Thủ tướng giao các địa phương, bộ ngành khẩn trương giải quyết thủ tục cấp phép khai thác cát cung cấp cho dự án, đảm bảo đủ cát để bù tiến độ đã bị chậm.