560 nghìn tỷ cho cải cách tiền lương đến hết năm 2026
Sáng 8/11, sau khi báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về chính sách tiền lương năm 2024 và các giải pháp căn cơ cần phải thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiền lương luôn là vấn đề được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm. Tiền lương vừa góp phần tái tạo sức lao động, cũng là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động.
Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 27 của Trung ương đã ban hành trước đây nhưng chưa thực hiện được do nguồn lực còn khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta đã cố gắng trích lập lương, tăng thu, giảm chi và hiện đã có 560 nghìn tỷ phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến hết năm 2026.
Song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, Thủ tướng cho biết, chúng ta cũng cải cách tiền lương trong khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Làm sao để lương hai khối này tiệm cận với nhau theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, tới đây sẽ phải hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với hiệu lực hiệu quả bộ máy, đồng thời tiết kiệm các khoản chi, đảm bảo chi lương cho người lao động. Đồng thời phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, rồi hàng loạt các vấn đề khác như Bộ trưởng Nội vụ đã nêu trước đó.
Đánh giá tác động kỹ hơn về cơ chế đặc thù
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu lại câu hỏi chất vấn Thủ tướng của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) về thực hiện thí điểm một số cơ chế.
Theo đại biểu Thủy, so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ này, Chính phủ trình thực hiện thí điểm nhiều và có thể dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho. Quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan.
Theo Thủ tướng, nước ta là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, khả năng chống chịu còn hạn chế. Tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nên những văn bản, quy định có lúc theo kịp thực tiễn, có lúc chưa theo kịp được, quy trình xây dựng pháp luật còn mất nhiều thời gian, công sức.
Thủ tướng cho biết, việc ra cơ chế đặc thù có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XIII đều mang tinh thần "những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa".
Cùng với đó, những gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này.
Về cơ sở thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp.
Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.
Làm tốt quy hoạch để phòng cháy chữa cháy
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nêu chất vấn, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình như vụ cháy "chung cư mini" tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như nào để chấn chỉnh tình trạng này?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ rất thương tâm (cháy chung cư mini, cháy quán karaoke…)… Trước thực trạng đó, Chính phủ cũng đã có những biện pháp, giải pháp ngăn chặn, như làm tốt quy định phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, nâng cao ý thức của người dân; kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tập trung lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Chỗ nào cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chỗ đó tốt. Cùng với đó, cần làm tốt công tác quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, bởi quy hoạch không tốt thì khi cháy nổ xảy ra, các phương tiện không vào được…