Trí tuệ - con người là nhân tố đột phá
Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, học giả tại Hội thảo về Cách mạng 4.0: Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ở Hà Nội sáng 5/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của các nhà tổ chức. Đồng thời, theo Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, công nghiệp (CN) thông minh một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội nhưng cũng chính là thách thức đối với sự chuyển đổi của nền CN đang thâm dụng vốn và lao động của chúng ta. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp (DN) Việt Nam bắt buộc phải có sự chuyển đổi. Trước mắt là tự nâng cao năng lực để có tiếp cận phù hợp, sau là để chủ động tận dụng được cơ hội này.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ và DN, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu tích cực. Tuy nhiên, sự tiếp cận của chúng ta còn rời rạc, thiếu kết nối.
“CMCN 4.0 hay CN thông minh là một cuộc chơi lớn, Việt Nam muốn chủ động tiếp cận để tăng tốc phát triển phải đồng sức, đồng lòng, huy động được nguồn lực toàn dân tộc. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần xây dựng thế mạnh và giá trị cốt lõi của Việt Nam dựa trên nhân tố đột phá là nguồn lực trí tuệ - con người và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chính phủ và DN”, Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các DN, đặt DN làm trung tâm trong xây dựng chính sách. Đặc biệt là các chính sách hướng tới phát triển CN thông minh. Các DN tích cực chủ động hơn trong phối hợp với Chính phủ, chia sẻ với Chính phủ về nguồn lực để phát triển tiềm lực khoa học
“Cần dũng cảm từ bỏ mô hình quản lý cũ, cách làm cũ để thích ứng với Cách mạng 4.0, phát triển đất nước. Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng quốc gia, dân tộc thành hành động cụ thể, chuyển hoá những sáng tạo thành giá trị gia tăng, tạo việc làm và dịch vụ mới cho Việt Nam”, Thủ tướng kêu gọi.
Thủ tướng cảnh báo: Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, Việt Nam ngày càng có nguy cơ tụt hậu nhanh hơn, bên cạnh đó nhiều tác động của văn hoá, môi trường, an ninh cũng đặt ra thách thức lớn hơn. Đa số DN Việt nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng chuyển đổi mô hình để nắm bắt xu hướng tiến bộ của 4.0 vào sản xuất, phát triển.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cần phát triển công nghiệp số, thông minh gắn với chuyển đổi, tái cơ cấu để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Cách mạng CN 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh dân tộc, không thể bỏ lỡ, phát huy lợi thế, phải có ứng xử cởi mở, tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy mô hình mới.
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, học giả Việt Nam và nước ngoài tại Hội nghị về Cách mạng 4.0 cần làm rõ 3 vấn đề: Việt Nam đang ở đâu trong khi thế giới đã và đang phát triển Cách mạng 4.0 nhanh chóng. Đánh giá những tồn tại, hạn chế của Việt Nam hiện nay để làm rõ những khó khăn, lợi thế của mình trong vấn đề của 4.0 đặt ra.
Thứ 2, cần cho người dân, DN thấy rõ thế giới đã, đang làm gì để tận dụng thành công cách mạng 4.0, nhất là các nước có điều kiện tương đồng như Trung Quốc, ASEAN. Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì để ứng dụng công nghệ số, thiết kế những kế hoạch dài hạn để thích ứng với cách mạng 4.0 đang trỗi dậy mạnh mẽ trên thế giới.
Ưu tiên phát triển nền kinh tế số, động lực chính từ khu vực tư nhân
Với tư cách là Trưởng ban tổ chức hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến các quốc gia trên tất cả các phương diện từ quản trị Nhà nước đến kinh tế - xã hội – môi trường. Trong bối cảnh và xu thế đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những nhận định và đề ra các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
“Trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền còn khác nhau, đòi hỏi chiến lược riêng về CN 4.0 của Việt Nam cần phải được thiết kế có những lộ trình cụ thể, bước đi phù hợp, có các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi. Những ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia; có chính sách đào tạo lại đối với lao động, sớm xây dựng và có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nhân lực công nghiệp đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là yêu cầu CMCN 4.0”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, cùng với sự tham dự và phát biểu của của các chuyên gia trong nước và quốc tế, CMCN 4.0 tiếp tục được đề cập và khẳng định là xu thế công nghệ tất yếu với các công nghệ trụ cột như: trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3D,...giúp các DN nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, chi phí sản xuất – vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, CMCN 4.0 cũng mang đến nhiều thách thức cho các tổ chức và DN Việt Nam, đặc biệt là vấn đề hạ tầng công nghệ, an toàn và an ninh thông tin cũng như thích ứng và tận dụng cơ hội mà làn sóng công nghệ 4.0 mang lại.
Cùng với phiên báo cáo toàn thể, 3 phiên Hội thảo chuyên đề sẽ thảo luận vào chiều 5/12 về xu thế phát triển, khai phá các giải pháp công nghệ mới cũng như đề xuất các chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp thông minh tại Việt Nam trong các lĩnh vực Sản xuất, Thương mại – Dịch vụ và phát triển Đô thị thông minh.