Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu học sinh trở lại trường cuối tháng 5/2020 hoặc chậm nhất là 15/6, vẫn kịp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giữa tháng 8/2020. Nếu tháng 6/2020 học sinh trở lại trường thì dự kiến sẽ chỉ thực hiện 1-2 bài kiểm tra định kỳ với các môn học và một bài kiểm tra cuối năm học. Giai đoạn này các trường cũng tổ chức cho học sinh làm thủ tục đăng ký dự thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, ôn thi cho học sinh cuối cấp. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức thi THPT quốc gia.
Trong bối cảnh đó, kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được Bộ GD&ĐT điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
Phương thức thi cơ bản giữ ổn định như năm 2019, đồng thời điều chỉnh phù hợp với tình hình đặc biệt của năm học này. Hiện nay, chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được điều chỉnh, tinh giản. Nội dung nằm trong phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Cũng vì thế, đề thi tham khảo năm 2020 vừa công bố đã có những điều chỉnh so với năm 2019. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tính toán để có biện pháp giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với học sinh.
Nếu 15/6 học sinh chưa trở lại trường, dịch bệnh không cho phép tổ chức các kỳ thi tập trung đông học sinh, Bộ GD&ĐT sẽ có những tính toán như thế nào?
Nếu đã cố gắng nhưng không đảm bảo để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như dự kiến vì lý do bất khả kháng, Bộ GD&ĐT đang tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, thay vào đó giao cho các địa phương thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT.
Nhưng nếu không tổ chức thi THPT quốc gia thì Bộ GD&ĐT phải trình xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép. Quốc hội đồng ý mới được triển khai; vì theo Điều 32, Luật Giáo dục 2019, phải thi tốt nghiệp mới được công nhận tốt nghiệp THPT.
Học sinh trở lại trường muộn nhất là 15/6. Như vậy, sẽ chỉ còn một tháng để kết thúc năm học và khoảng hai tháng để chuẩn bị thi THPT quốc gia. Theo ông, trong thời gian ít ỏi này, các trường cần ưu tiên những công việc gì?
Các trường phải đánh giá được hiệu quả của dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Từ đó trường xây dựng kế hoạch dạy bù nội dung còn thiếu, chưa tốt, rà soát để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng thêm cho học sinh theo các nhóm đối tượng khác nhau; đảm bảo những học sinh chưa tiếp thu được bài học vững vàng trong thời gian học từ xa được củng cố kiến thức.
Học trực tuyến hay qua truyền hình đang có rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ nhìn vào điều kiện thuận lợi của các thành phố rồi “áp” chung cả nước để tổ chức THPT quốc gia là không thực tế. Ý kiến của Bộ về vấn đề này như thế nào?
Đúng là học sinh tiểu học, THCS và học sinh lớp 10, lớp 11 ít tiếp cận với học trực tuyến hay qua truyền hình nên khi triển khai sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, học sinh lớp 12 lại khác. Các em đã lớn và có ý thức học tập để thi. Bình thường, các em cũng ôn trên trực tuyến, qua phần mềm để bổ trợ kiến thức. Nên với học sinh lớp 12 không hoàn toàn mới. Mặc dù vậy, Bộ cũng sẽ có đánh giá rà soát lại việc đào tạo từ xa đối với học sinh lớp 12, trong đó xem xét báo cáo từ các Sở GD&ĐT. Nhưng tôi tin rằng phần lớn số học sinh lớp 12 học nghiêm túc, có chất lượng. Sắp tới, Bộ sẽ có cuộc họp với các sở GD&ĐT để xem thực tế việc học như thế nào.
Đề thi tham khảo vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã giảm bớt kiến thức. Nếu giảm nhẹ tiếp, mục tiêu phục vụ các trường ĐH xét tuyển không còn như mong muốn. Một số trường ĐH đã xây dựng phương án tuyển sinh riêng; phần lớn các trường đều đã chuẩn bị phương án khác. Có ý kiến cho rằng nếu cố tổ chức thi THPT quốc gia sẽ tạo ra sự lãng phí cũng như áp lực không cần thiết, thưa ông?
Như tôi đã nói, Bộ đã trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia. Trong đó, trường hợp bất khả kháng mới không tổ chức thi. Hiện nay, theo tính toán của Bộ thì có khoảng 20 trường ĐH có thể tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh riêng. Những trường còn lại thực sự có khó khăn. Nhưng Bộ vẫn đề xuất các phương án trên tinh thần ổn định. Nếu đã thi thì cũng là một giải pháp dù xét tốt nghiệp hay lấy điểm thi xét tuyển ĐH. Nhưng sẽ vẫn tiếp thu ý kiến trên để cân nhắc.
Cảm ơn ông!