“Thủ phủ” phân lô tách thửa hạ nhiệt, môi giới khóc ròng
Cách đây gần 1 năm, anh Đ (40 tuổi), quyết định bỏ công việc văn phòng, chuyển sang làm môi giới đất. Bởi lúc này, giá đất tại Thạch Thất quê anh Đ đang bước vào kỳ tăng vọt vì có thông tin dự án của tập đoàn lớn sắp triển khai ở đây.
Để có vốn, anh Đ bàn với gia đình bán mảnh đất vườn và vay thêm họ hàng. Rồi anh dùng số tiền gom được mua 2 lô đất mặt đường thôn 2 và thôn 7 Tân Xã, Thạch Thất để chờ tăng giá rồi bán. Sau đó, anh Đ cũng nhanh chóng chuyển nhượng được 2 mảnh đất vừa nêu.
Thấy hời, anh Đ quyết định “chơi lớn”, dùng toàn bộ số tiền bán đất để đầu tư vào một lô đất lớn ở khu vực gần Đại học Quốc Gia tại Hòa Lạc.
Tuy nhiên, lần đầu tư này của anh Đ lại không thành công như mong đợi. Bởi hồi cuối tháng 3, Hà Nội ra lệnh dừng phân lô, tách thửa đã khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lô đất của anh rút lui.
“Đã 3 tháng trôi qua, tôi vẫn chưa chuyển nhượng được lô đất ấy, lãi suất ngân hàng thì ngày càng tăng cao, nếu tình hình này kéo dài chắc tôi phải bán tháo lô đất ấy. Nhưng sợ rằng không có ai dám mua ở khu vực Hòa Lạc lúc này”,..
Câu chuyện của anh Đ cũng chính là vấn đề mà anh Nguyễn Văn L, môi giới đất nền tại khu vực Phú Xuyên đang gặp phải. Được biết, vài tháng đổ lại đây, khách hàng của anh chủ yếu là các nhà đầu tư đã tìm hiểu, thậm chí đặt cọc mua đất nền tại Hòa Lạc nhưng đều quyết định dừng lại.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết hiện tại, đất nền một số khu vực từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Gia Lâm,… đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh về số người tìm kiếm, quan tâm. Trong khi đó, mặt bằng giá rao bán vẫn tiếp tục leo thang.
Trong đó, đất nền Thạch Thất giá rao bán tăng 17% nhưng lượng quan tâm và tìm kiếm giảm 2% so với năm 2021. Tương tự, đất nền Quốc Oai giá tăng 20% nhưng mức độ quan tâm giảm 24%; đất nền Đông Anh giá tăng 31% nhưng mức độ quan tâm giảm 29%. Giá chào bán đất nền Gia Lâm tăng 27% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%.
Trong khi đó, các thị trường giáp ranh Hà Nội cũng ghi nhận kịch bản tương tự, theo đơn vị báo cáo. Đơn cử như đất nền Bắc Ninh giá tăng 9% nhưng mức độ quan tâm giảm 20%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%, đất nền Hưng Yên giá tăng 8% nhưng mức độ quan tâm giảm 17%.
Tránh "dính" bẫy của nhóm đầu cơ
Nhận xét về việc nhà đầu tư quay xe với đất nền ở những khu vực từng được coi là “thủ phủ” phân lô, bán nền, một nhà đầu tư ở Hòa Lạc cho biết, hiện thanh khoản của thị trường khu vực này đang rất thấp.
Nhà đầu tư này cho rằng, nguyên nhân không đơn thuần là do Hà Nội ra lệnh dừng phân lô, tách thửa mà còn do giá đất không tương xứng với cơ sở hạ tầng.
Bởi lẽ, trước giờ giá đất ở những khu vực trên “sốt” là do có thông tin mới về việc triển khai hoặc di dời các trường đại học lớn, khu công nghệ cao về Hòa Lạc. Tuy nhiên, sau mỗi đợt rộ tin, thì các dự án vẫn nằm trên giấy, bất động nhiều năm khiến nhà đầu tư đón đầu quy hoạch “tan mộng” và “khóc ròng”.
Trong khi đó, theo TS Sử Ngọc Khương, ở nước ta cứ có thông tin quy hoạch là nghĩ đến đầu cơ đất. Tuy nhiên, ông Khương cho rằng nhà đầu tư cần lưu ý, quy hoạch cũng có thể thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào các điều chỉnh về kinh tế vi mô. Và các công trình cơ sở hạ tầng giao thông cũng sẽ phụ thuộc vào những điều chỉnh này.
Do đó, vị chuyên gia này khuyến cáo, nhà đầu tư cá nhân cần hết sức cẩn trọng để tránh dính "bẫy" của nhóm đầu cơ, môi giới. Đồng thời, cần tham khảo thêm thông tin chính thức từ các cơ quan sở ngành địa phương về nguồn vốn, tiến độ... và hết sức cẩn trọng khi đầu tư theo cơ sở hạ tầng.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo, trên thực tế đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc vội vàng đầu tư theo phong trào hoặc “ôm” đất quá lâu mà dòng tiền nhàn rỗi không đủ lớn hoặc mua cao hơn giá trị thực quá nhiều. Vì thế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh “chôn tiền vào đất”…