Doanh nghiệp hợp lực
Thời gian qua, ngành gỗ chịu ảnh hưởng rất lớn. Nhiều DN tại tỉnh Bình Dương phải tạm ngừng hoạt động, giảm quy mô, hoạt động cầm chừng do chi phí tăng cao… Tuy nhiên đến thời điểm này, các DN gỗ dần phục hồi, có tính hiệu khởi sắc.
“Khoảng thời gian từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, hàng hóa tồn kho đến mức chúng tôi phải tạm ngưng hoạt động, cho công nhân nghỉ việc không lương. Để vượt qua giai đoạn khó khăn, chúng tôi phải thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. Thay vì sản xuất, kinh doanh độc lập như trước đây, hiện nay chúng tôi hợp tác với DN cùng ngành nghề, phân chia từng công đoạn sản phẩm để sản xuất. Mặc dù phải cắt giảm số lượng lao động, song hoạt động sản xuất theo mô hình “hợp lực cùng tiến” đang dần khởi sắc”- ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Hoàng Thông chia sẻ.
Theo ông Cao Văn Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia (Bình Dương), trong giai đoạn khó khăn hiện nay DN chế biến gỗ cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận khách hàng. Dẫn chứng thực tế của công ty, ông Đồng cho biết: “Tại hội chợ quốc tế mới đây ở TPHCM, chúng tôi đã bán được 24 container hàng, tiếp cận được thêm 40 khách hàng mới, một tín hiệu đầy lạc quan cho ngành gỗ thời gian tới”, ông Cao Văn Đồng chia sẻ.
Trong lĩnh vực dệt may, các DN tại Bình Dương cũng dần phục hồi trở lại, sau khi tìm kiếm được đơn hàng. Về lâu dài, ông Hà Anh Dũng - Giám đốc Công ty May mặc Anh Dũng (Bình Dương) cho rằng cần có chiến lược mang tính bền vững. “Trong giai đoạn khó khăn này là thời cơ cho các DN tham gia vào chuỗi cung ứng. Về ổn định lâu dài, Bình Dương cần đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành, nguồn nhân lực, công nghệ và hoàn thiện mạng lưới logictics”- ông Dũng nhìn nhận.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng
Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện Sáng Ban Mai (Bình Dương), cho biết hiện DN ngành cơ điện đã có đơn hàng trở lại và công nhân lao động tăng ca thường xuyên để bảo đảm kế hoạch sản xuất. “Đơn hàng ổn định trở lại đã tạo thêm động lực rất lớn để DN làm việc tích cực, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng”- ông Trọng nói.
Là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam (Bình Dương), anh Trương Văn Sáng (quê Nghệ An) cho biết, DN đã có đơn hàng ổn định nên hoạt động sản xuất được duy trì thường xuyên, không bị gián đoạn như trước đây. “Những ngày qua, công nhân làm việc nhiều ca nên nhà máy luôn sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi được tăng ca, do đó thu nhập tăng thêm”- nam công nhân nói.
“Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp cụ thể trong từng tháng, từng quý, nhất là những tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành cao nhất có thể các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc”.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn
Hiện nay, DN tại Bình Dương có thêm đơn hàng nên tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đáng chú ý, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (Bình Dương) đang có nhu cầu tuyển dụng gần 800 lao động phổ thông, độ tuổi từ 18-40. “So với những tháng đầu năm, hiện nay thu nhập chúng tôi tăng đáng kể nhờ được làm thêm giờ. Nếu như trước đây, công nhân mỗi ngày chỉ làm một ca, hiện nay ngoài làm giờ hành chính có thể đăng ký tăng ca đêm”- chị Lê Thị Thu (quê Hà Tĩnh), làm việc tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam phấn khởi.
Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội, song có những tín hiệu tích cực. Theo ông Tuấn, DN rục rịch có các đơn hàng mới và cần tuyển thêm lao động. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 của Bình Dương ước tăng 2,3% so với tháng trước.