'Thủ phủ' cam bù nhộn nhịp sau Tết

TPO - Sau Tết Nguyên Đán, địa phương trồng cam lớn nhất ở Hà Tĩnh đang vào vụ thu hoạch, người dân phấn khởi vì một năm bội thu.

Thời điểm này, các vựa cam bù huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang vào vụ thu hoạch. Tại các con đường vào các xã ở Kim Hoa, Sơn Trường… người dân cắt và đưa cam ra đường để bán.

Huyện Hương Sơn có hơn 1.000 ha diện tích trồng cam bù, năm nay ước tính sản lượng đạt trên 10.000 tấn. Giá hiện tại từ 20-50 ngàn đồng/kg. Còn dịp Tết có thời điểm từ 60-70 ngàn đồng/kg.

Sau Tết, thị trường cam bù nhộn nhịp hơn, khi nhiều người mua để đưa ra Hà Nội, vào miền Nam để làm quà.

Cam được bày bán dọc các tuyến đường ở huyện Hương Sơn. Nhiều người cũng đến để mua về ăn và làm quà biếu.

Cam được người dân đựng vào các thùng xốp để mang ra đường bán. Mỗi chuyến xe máy người dân chở được từ 20-50kg cam.

Mặc dù thời tiết có mưa, lạnh nhưng người dân vẫn tận dụng thời điểm sau Tết để bán cam nhằm kiếm thêm thu nhập và giá cả cao hơn so với những ngày thường.

Dọc đường vào thôn 6, xã Sơn Trường, người dân thu hoạch cam ra đây để bán. Người dân cho biết, đây là dịp bán hàng đầu năm vừa kiếm thêm thu nhập và lấy "lộc" đầu Xuân.

"Năm nay thị trường tiêu thụ khó hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cam năm nay lại được mùa nên dân rất phấn khởi. Trước Tết cũng tiêu thụ được nhiều, số còn lại ra năm chúng tôi cũng bán lẻ", một người dân xã Sơn Trường cho hay.

So với những năm trước, giá cam năm nay rẻ hơn từ 5-10 ngàn đồng.

Bán hết thùng hàng người dân về tại vườn cắt ra để bán thêm.

Nông dân các xã Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Hàm, Kim Hoa, Sơn Lâm... phấn khởi vì cam được mùa, quả đẹp, vị ngọt hơn các năm trước. Cam chín đậm vào đúng vụ Tết nên lượng tiêu thụ và giá cả cũng cao.

Theo thống kê của UBND huyện Hương Sơn, năng suất năm nay ước đạt sản lượng ước trên 10.000 tấn, giá trị sản xuất hơn 300 tỷ đồng.

Cây cam bù xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1972, do hợp tác xã Thạch Sơn trồng tại vùng núi Kim Nhan. Cam bù tiếp tục được trồng và nhân giống rộng rãi, trở thành loại cây lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Giống cam này cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hương Sơn, Vũ Quang.

Đặc sản cam bù Hương Sơn đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội...