Thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới mở: Không còn những con đường đắt nhất hành tinh

TP - Theo các chuyên gia, thay vì giải tỏa đất chỉ để làm dự án hạ tầng, nhà nước giải tỏa thêm đất hai bên đường để đấu giá lấy kinh phí làm dự án hạ tầng. Điều này giúp tạo nguồn thu cho nhà nước và sẽ không còn xuất hiện những con đường “đắt nhất hành tinh”. 
Theo dự kiến có khoảng hơn 2.300 hộ dân phải di dời khỏi khu vực để phục vụ tuyến đường “đắt nhất hành tinh”. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Từng được biết đến là tuyến đường “đắt nhất hành tinh”, dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (Hà Nội) dự kiến kéo dài 2 năm từ 2018 đến 2020 với tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng; chi phí đầu tư mỗi mét đường lên tới 3,421 tỷ đồng. Đi qua địa bàn đông dân cư thuộc vùng lõi của Hà Nội nên dự án này phải di dời tới 2.300 hộ, song đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, riêng tại phường đã có tới hơn 600 hộ dân trong diện di dời nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện di dời được hộ dân nào. Theo ông Cừ, với giá nhà nước đền bù cho người dân hiện nay thì không ai chịu di dời, thậm chí số tiền được chi trả bỏ ra không mua nổi nhà tái định cư.

Không những mất nhà, người dân còn mất luôn thu nhập vì đang buôn bán trong các ngõ phố. Ngược lại, nhiều hộ dân sau khi mở đường được ra mặt đường, giá nhà đất tăng vù vù, trở thành tỷ phú.

Theo lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa, ít nhất giá đền bù phải gần bằng 50% giá thị trường thì đa số người dân mới đồng thuận.

Tương tự tại quận Ba Đình cũng đang “kẹt” với 1.500 hộ dân chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng.

Có cơ chế để thu hồi, đấu giá đất hai bên đường mới

Đại diện quận Đống Đa cho biết thêm, cuối năm 2020, UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt giá đất mới phục vụ dự án Hoàng Cầu - Voi Phục. Theo đó, vị trí 1 các đường Nguyễn Phúc Lai, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ lần lượt là 65 triệu đồng, 158 triệu đồng, 163 triệu đồng/m2. Tới đây, UBND các phường liên quan sẽ họp các tổ dân cư để thông báo, lấy ý kiến người dân. “Hiện người dân phản đối nên vẫn chưa cho cơ quan chức năng vào đo đạc diện tích, mong với mức giá mới sẽ tạo được sự đồng thuận”, đại diện quận cho hay.

Với mức giá mới điều chỉnh này, có thể thấy chi phí để thực hiện dự án sẽ không dừng lại ở tổng mức đầu tư 7.200 tỷ đồng mà tiếp tục tăng lên tạo gánh nặng cho ngân sách.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, mở rộng thêm 2 bên đường để đấu giá là có lợi cho nhà nước, người dân.

Trong Luật Thủ đô có quy định rõ: “Khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Căn cứ vào yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và kết quả lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, UBND thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân (HĐND) xem xét, quyết định việc quy hoạch”.

Ông Nghiêm giải thích thêm: “Khi mở rộng đường chỉ được mở rộng theo chỉ giới, việc mở rộng này vì lợi ích quốc gia, sẽ theo đơn giá nhà nước. Tuy nhiên, nếu mở rộng thêm 2 bên đường mới vì mục tiêu khác thì phải theo giá thị trường, phải thỏa thuận được với người dân”.

Hà Nội có một số dự án đã tính đến việc mở rộng thêm 2 bên đường, thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. Tuy nhiên, các dự án đều không được sự đồng thuận của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, khi nhà nước mở đường thì giá đất hai bên đường và cả khu vực tăng lên rất nhiều. Khoản tiền chênh lệch này thường vào túi người dân có nhà trong hẻm trở thành nhà mặt tiền và một phần thuộc về doanh nghiệp phát triển các dự án dọc tuyến đường. Các đối tượng này không phải đóng thêm bất kỳ một khoản thuế, phí nào, trong khi những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường. Ngay cả nhà nước, đối tượng bỏ tiền ra làm đường cũng không được hưởng lợi gì từ việc đầu tư hạ tầng. Đây là điều bất cập.      

Theo ông Lê Hoàng Châu, HoREA đã nhiều lần kiến nghị về thực hiện đấu giá đất mở rộng thêm, tái định cư tại chỗ cho người dân. Việc này sẽ đảm bảo 3 yếu tố là: Không thất thoát tài sản công; tạo môi trường kinh doanh công khai minh bạch trong đấu thầu, đấu giá và sẽ không tạo ra khiếu kiện vì chênh lệch địa tô sẽ rơi vào ngân sách nhà nước thay vì vào túi ai.