Tiết kiệm hơn 12.000 tỷ đồng chi phí hồ sơ
Giữa tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban) tại trụ sở Tổng cục Hải quan (TCHQ).
Theo Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn, Ủy viên Ủy ban chỉ đạo, về thực hiện ASW, Việt Nam và 5 quốc gia gồm Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan đã ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện. Đồng thời Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa có xuất xứ ASEAN. Sẵn sàng chính thức vận hành khi Nghị định thư về khung pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được đủ 10 nước thành viên phê duyệt.
Tính đến tháng 11/2016, có 10 trên tổng số 14 bộ, ngành kết nối NSW. Số lượng thủ tục hành chính đưa lên đây (chưa kể Bộ Tài chính) là 36 thủ tục. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến 25/11 khoảng hơn 200.000 bộ với sự tham gia của hơn 8.350 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực này.
Kết quả vừa qua đã góp phần quan trọng vào xây dựng nền hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, tiến tới hiện đại hóa, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực, góp phần xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Liên quan đến lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa tại Việt Nam đã có cải thiện đáng kể. Chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới của Việt Nam thăng 15 hạng so với năm 2015 (từ 108 lên 93/190 nền kinh tế được khảo sát) và là 1 trong 4 nước hàng đầu của khu vực (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan).
“Căn cứ báo cáo của WB, chi phí trung bình để chuẩn bị hồ sơ (cho cả nhập khẩu và xuất khẩu) tại Việt Nam ước khoảng 2,5 USD/giờ. Theo đó, với mỗi lô hàng (cả nhập khẩu và xuất khẩu) việc rút ngắn khoảng 30 giờ so với 2015 ước tiết kiệm được 75 USD chi phí chuẩn bị hồ sơ. Tính trên khoảng 8 triệu lô hàng cả xuất khẩu và nhập khẩu từ đầu năm đến tháng 10/2016, chỉ riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ ước có thể tiết kiệm được khoảng 600 triệu USD (tương đương hơn 12.000 tỷ đồng)”- Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.
Phải mang hiệu quả cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu liên quan, một trong những nút thắt cần khẩn trương tháo gỡ là hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK). Hiện nay đã có 10 địa điểm được triển khai tại 8 địa bàn trọng điểm. Do đó cần có sơ kết đánh giá và nhân rộng.
Để thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng tài chính kiến nghị cần xã hội hóa trong thực hiện các địa điểm kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan quản lý ban hành tiêu chuẩn và huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư phương tiện, nhân lực thực hiện, như vậy sẽ giảm được vốn đầu tư từ ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính và một số bộ, ngành (Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế) trong thực hiện ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại thời gian qua.
Tuy nhiên, đề đạt được các mục tiêu quan trọng đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngoài những giải pháp theo đề xuất của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục nỗ lực để tăng số lượng, chất lượng, hiệu quả các thủ tục hành chính tham gia NSW. “Số lượng thủ tục đưa lên nhiều nhưng không mang lại hiệu quả cho cộng đồng DN cũng không có ý nghĩa”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường các giải pháp tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại; nâng cao ý thức trách nhiệm các bộ, ngành, nhất là các Bộ trưởng; các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về kiểm tra chuyên ngành theo hướng đơn giản hóa…Về mô hình đặt cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến nhiều đại biểu là đặt tại Tổng cục Hải quan.