Thông qua dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi: Đề cao quyền con người

TP - Sáng 28/11, trong phiên họp toàn thể, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), 486/488 (bằng 97,59%) Đại biểu Quốc hội có mặt tại Hội trường đã bấm nút thông qua.

> 97,59 % Đại biểu Quốc hội thông qua dự thảo Hiến pháp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc thông qua Hiến pháp sửa đổi là sự kiện có tính chất lịch sử, đánh dấu thời kỳ mới đưa đất nước ta hội nhập và phát triển.

Bản Hiến pháp là kết quả quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của Quốc hội và cử tri cả nước, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đã thể hiện tinh thần đổi mới, thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Chủ tịch cũng báo cáo với cử tri cả nước, là mỗi vị ĐBQH làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản Hiến pháp này.

 “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. 

Trích khoản 2, Điều 4, Hiến pháp (sửa đổi)

“Chúng tôi cũng hiểu rằng một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân dân và một số vị ĐB cũng còn ý kiến khác ở khoản này, điều nọ. Tuy nhiên tuyệt đại đa số nhân dân và đại biểu đã đồng tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Tôi xin khẳng định lại, bản Hiến pháp thông qua lần này đã thể hiện được ý chí của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân, có thể yên tâm thông qua. Đây là bản Hiến pháp đổi mới cho thời kỳ mới của đất nước chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2013, được Quốc hội thông qua có bố cục gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992.

Đảng phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: thu giang.
 

Ngoài các quy định như Hiến pháp năm 1992, Điều 4 của Hiến pháp sửa đổi đã bổ sung trách nhiệm của Đảng, được quy định tại Khoản 2: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Hiến pháp (sửa đổi) cũng dành riêng một chương để quy định về quyền con người, quyền công dân. Theo đó, Điều 14 khẳng định: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Các quyền cơ bản như “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” tiếp tục được khẳng định và quy định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Sau khi thông qua Dự thảo Hiến pháp, các ĐBQH tiếp tục biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Có 491 đại biểu tán thành (chiếm 98,59% trong tổng số đại biểu Quốc hội), không có đại biểu không tán thành, không biểu quyết.

Như vậy, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2014. Trong vòng 15 ngày tới, Chủ tịch nước sẽ là người công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng 28/11/2013.

Theo Báo giấy