Tại phiên chất vấn sáng 11/11, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng về vấn đề nợ xấu: Thống đốc đánh giá thế nào về nợ xấu, giải pháp nào để giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nếu không giảm được thì việc điều hành tiền tệ gặp khó khăn ra sao?
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu, tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp, tới cuối tháng 9/2024, nợ xấu ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022.
Theo bà Hồng, đây là thực tế, bởi từ 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, giảm nguồn thu, khó khăn trong trả nợ.
Thống đốc Hồng nêu, để kiểm soát nợ xấu, có nhiều giải pháp từ các chủ thể. Trong đó, các tổ chức tín dụng phải thẩm định kỹ khả năng trả nợ của khách hàng. Với những nợ xấu, cần tích cực đôn đốc xử lý, phát mãi tài sản...
Bà Hồng nêu, với nợ xấu tăng như hiện nay, sẽ khó giảm lãi suất cho vay, bởi tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi cho tiền huy động của người dân. Theo chỉ đạo, các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp, người dân. Thời gian qua, các ngân hàng đã miễn, giảm 50.000-60.000 tỷ đồng lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng.
Bố trí tổng vốn 405.000 tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp vay sau bão Yagi
Trước đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN về chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng sau bão Yagi. Theo bà Thúy, số liệu tổng hợp cho thấy, tổng thiệt hại kinh tế do bão Yagi ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp, thủy sản khoảng 31.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc Hồng, sau bão Yagi, NHNN đã trực tiếp khảo sát thiệt hại đối với 2 tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng, cho thấy, dư nợ chịu tác động bởi bão Yagi khoảng 12.000 tỷ đồng.
NHNN cũng ban hành văn bản, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các đối tượng vay vốn, xác định mức độ thiệt hại dư nợ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố, cho thấy tổng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 190.000 tỷ.
NHNN chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay và miễn, giảm lãi cho người dân, doanh nghiệp chịu tác động. Hệ thống ngân hàng tham gia các công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão khoảng 40.000 tỷ đồng.
NHNN cũng tổ chức hội nghị, chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét cân đối nguồn vốn, đưa ra các gói tín dụng. Theo thống kê, 35 tổ chức tín dụng đã bố trí tổng vốn 405.000 tỷ đồng tiếp tục cho người dân, doanh nghiệp vay mới.