Trúc Viên quán (TVQ) phố Trần Hưng Đạo những năm đầu tám mươi. Lách qua cánh cổng sơ sài khép hờ òa ra khoảng không một mảnh vườn. Xác xơ mấy bụi cây còi cọc, thâm thấp. Khoảng râm của những tàn cây cổ thụ rủ xuống nên tạo được mấy khoảng âm u. Bên bụi cây, dưới tàn cây bày mấy cái bàn đóng bằng tre.
Thời ấy đã quá quen với không gian chật chội bí rì rì nhưng ấm cúng. Ấy là quán rượu thuốc Ông già (mãi đến sau này tôi vẫn chưa biết tên) trên đường Nguyễn Du, sát quán chè chén thuốc cuộn bà Sinh ông Hựu. Đã quá quen tầm 10 giờ trưa hoặc 5-6 giờ chiều những sải bước chầm chậm của một người thơ cao niên. Nhà thơ Tế Hanh đấy! Tế Hanh thời ấy để râu tua tủa trắng xóa. Thường đi một mình. Không bao giờ phá lệ. Hai hoặc ba ly rượu thuốc. Ly là thứ chén tống vẽ hoa hồng sản phẩm của nhà máy sứ Hải Dương. Quán chỉ có lạc rang, đậu phụ luộc. Nhưng Tế Hanh không bao giờ gọi đồ nhắm. Uống suông. Cái cách nhà thơ lần tìm trong cái túi vải bạt tòn ten bên người để trả tiền ngó cẩn trọng lẫn trang trọng.
PhạmTiến Duật đỡ lấy tay thi sĩ “Anh cho phép em mời”. Đã mấy lần như thế nhưng thi sĩ cười hiền lành, xua tay từ chối…
Vậy nên lần đi theo Trần Thái, một tay thư pháp quen đến Trúc Viên Quán thấy là lạ một không gian khác với quán rượu thuốc Nguyễn Du.
Lạ nhưng mấy bận ngồi lâu, cũng quen. Như cái dáng lúc lừ đừ lúc thoăn thoắt của cụ Tô Hoài. Cụ đi một mình. Cụ chả nhìn ai. Cũng chả trò chuyện với ai. Mấy hơi liền cạn hai chén trắng hoa hồng. Cái dáng vật vờ như chưa từng nhấp mà đã bung biêng của Định Nguyễn. Dường như lão tới đây để sẵn sàng chịu trận mỗi khi có ai cật vấn, có ai gợi cái họa Sẹo đất với Vòng trắng là sẵn lòng bung mở ra hết cho nhẹ lòng. Bởi đương có tin đồn… người đưa hai bài thơ ấy lên cùng Tạp chí Thanh Niên sắp sửa phải hầu tòa?
Lão bạn già Trần Thái mê thư pháp. Lão kéo tôi đến đây là đợi nhà thơ Hoàng Trung Thông mà như lão cam đoan thể nào gần 11 giờ trưa cái ông “bàn tay ta làm nên tất cả” ấy cũng đến.
Trần Thái nói chữ Trúc Viên Quán viết kiểu thảo treo tòn ten kia là chữ của Hoàng Trung Thông. Cũng khăng khăng chữ trưng tên nóc nhà Phùng Quán ở chỗ Hồ Tây Cổ kim thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (Những hiền thánh xưa nay lặng lẽ/ Chỉ anh say tiếng để muôn đời - Thơ Lý Bạch) cũng do Hoàng Trung Thông viết. Chả biết có phải?
Những cự ly gặp. Những chuyện gần, chuyện xa. Dù Trần Thái nhiệt thành cùng khéo mỏ là thế vẫn chưa gạ được ông Viện trưởng Viện Văn học Hoàng Trung Thông truyền cho tí thần thái lẫn mẩu chữ thư pháp nào kể cả hai lần tranh được trả tiền mấy be rượu. Nhưng cung cách chuyện bâng quơ, như vô tình, không vồ vập của tác giả “Bài ca vỡ đất” như vỡ vạc khêu gợi bao thứ rất bắt tai nghe. Mà sao Trần Thái cứ nhăm nhăm cái ông già này mà gợi, mà bắt chuyện? Tôi đồ rằng cái cớ say mê thư pháp của lão cũng vừa vừa. Mà cụ Hoàng như là thứ chủ soái của những bàn rượu của Trúc Viên quán? Cứ xem cung cách tự động dịch ghế kéo bàn của đám nhậu của cánh văn nhân cứ dần dà nhao về phía Hoàng Trung Thông thì biết?
Từ cái ông già râu tóc trắng xóa thoang thoáng vẻ tiên phong đạo cốt này như toát, tỏa ra thứ từ trường hút chuyện người nghe. Có bận ghé TVQ, cụ Hoàng chắc họp hành đâu về, hiếm khi cụ ăn vận như thế. Nhưng chỉ một thoáng, cái áo khoác cùng chiếc cà vạt đã dồn đống trên chiếc cặp đen. Một văn nhân quen ghế bên trịnh trọng mời cụ một ly. Khi nâng cốc lên tiếng: “Xin chúc thủ trưởng”. Hoàng Trung Thông nghe vậy thì ngồi yên, giọng lạnh tanh hỏi: “Cậu chúc gì ai đấy?”. Người đó líu cả giọng “Chúc anh ạ”. Hoàng Trung Thông vẫn ngồi im. Phải đến vài giây trong tư thế nghiêm ngắn lạnh tanh ấy, ông nhìn chằm chằm vào người vừa buông ra lời chúc, cười nhạt “Thơ - không có thủ trưởng. Uống đi!”.
Lại chứng kiến thêm những lần cụ Hoàng ngồi với ông chủ TVQ. Cứ như thể cặp đôi ấy tôn nhau lên. Chủ TVQ, dáng người là lạ… Hơi bị khó đoán tuổi, ăn vận khi xoàng xĩnh, khi bít rít. Cung cách lại bí hiểm cứ như là một môn đệ của Hoàng sư phụ vậy?
Rồi tôi cũng mang máng ông chủ TVQ có một gia cảnh không thường. Ông có người cha đương học Quốc học Huế, năm 19 tuổi dám đứng lên chửi thẳng tay GS người Pháp vì buông lời nhục mạ học sinh người Nam rồi bỏ học. Đi với kháng chiến từng tham gia nhiều mặt trận. Sau này làm to, trước 1975 là Phó Ban đối ngoại T.Ư. Lần đó theo Trần Thái đỡ cụ Hoàng vào nhà có việc với chủ TVQ, tôi thoáng thấy hình cụ Phó Ban đối ngoại TƯ chụp chung với nhiều yếu nhân trong đó có Cụ Hồ.
Hình như cụ tên Hiền? Cụ có 6 người con thì 4 người con trai đều tham gia quân đội và công an. Tất cả đều phương trưởng. Cái sân rộng thênh của ngôi biệt thự khang trang này, một ông con trai của cụ chính là chủ TVQ, tên là Trung chế thành quán rượu bình dân lâu nay.
*
* *
Năm tháng vèo qua. Những “thánh hiền” cùng nhiều văn nhân từng ghé TVQ trong đó có Hoàng Trung Thông, Phạm Tiến Duật, Tế Hanh, Tô Hoài, Định Nguyễn… đã “giai tịch mịch”. Ngôi biệt thự cùng Trúc Viên Quán có chủ mới từ lâu. Một cơ quan ngoại giao của nước ngoài tọa lạc chĩnh chiện sáng choang nhôm kính. Nhưng có một thứ không tịch mịch. Nhờ vậy mà hậu thế có dịp quan chiêm một quá vãng của TVQ. Đó là những dòng ghi chép của chính ông chủ TVQ mà tình cờ tôi vớ được trong cuốn tản văn của nhà văn Triệu Xuân có tên “Rượu và Văn chương”.
Cảm động trích ra đây vài dòng hồi ức.
… Sau cái chết của Dương Bích Liên, người họa sĩ lớn và sinh thời cũng nhấm nháp đủ vị chát cay, nhà thơ Hoàng Trung Thông yếu đi nhiều.
Ông cầm ly rượu, bàn tay lẩy bẩy run, rượu sóng sánh tràn đổ… Nhưng tôi biết, chỉ sau 2 ly (ít khi ông uống đến ly thứ 3) cái bàn tay nổi màu trắng xanh ấy sẽ trở lại bình thường.
Uống suông. Bạn có mời một thức nhắm gì đó ông cũng không đụng đũa. Ông hay nói: “Trung ơi, ngồi lại với mình một chút đi”.
Tôi ngồi lại, ngắm ông và buồn rầu nghĩ: có ai biết đến sự cô đơn của Hoàng Trung Thông?
Ông có một gia đình nền nếp, suôn sẻ. Đặc biệt là bà Hoa vợ ông. Một phụ nữ thuộc thế hệ xưa cũ. Không phải ai xưa cũng đều được như bà. Gầy, cặp mắt sâu luôn ẩn chứa những lo toan đời thường. Cứ thấy ông đi đâu, bà lại sang TVQ và khẽ khàng, rất khẽ khàng: “Ông ơi, về nhà ăn cơm…”. Ở nhà, bà lo cho ông không thiếu gì. Cả rượu. Nhưng ông cứ muốn ra khỏi nhà để tìm rượu. Ông tìm rượu để tìm bạn.
Huyết áp cao. Nhiều lần phải vào “Việt Xô” dù ông rất sợ bệnh viện. Thầy thuốc và một số bạn bè khuyên ông chừa rượu. Ông cứ uống. Và cứ làm thơ. Ông nói: “Tôi có bốn cái không. Một là: không bỏ dân tộc; hai: không bỏ Đảng; ba: không bỏ vợ; bốn: không bỏ rượu”.
Ông viết tặng tôi câu thơ của Bạch Cư Dị: “Túy thời tâm thắng tĩnh thời tâm” (Lòng ta lúc say hơn lòng ta lúc tỉnh). Ôi, tôi chợt nhớ thời xưa thẩm định có ba hạng rượu: có nghĩa là ba loại người uống rượu: tiên tửu, nhân tửu, cuồng tửu. Ông là bậc lưu linh tiên tửu đó chăng!?
Khi buộc phải đơn độc ngồi bên nậm rượu, ông thường lẩm nhẩm nói với hư vô (tôi dừng lại trên cầu thang nhìn trộm qua cửa sổ). Mái tóc bạc, dài thi thoảng khẽ lắc lắc. Ông không để ria. Chòm râu cằm không để nhọn mà được xén ngang rất ngoạn mục.
Tôi biết có một vài anh bạn gọi là nghệ sĩ đầy tài năng ngó nghiêng ông với ánh mắt thương hại. Những cái sọ dừa sệt tịt ấy làm sao hiểu nổi một Hoàng Trung Thông!
Trả lời chậm, coi bộ rề rà nữa. Có khi ông còn đề nghị người hỏi: “Anh cứ để… để tôi dừng lại… tôi suy nghĩ một lát… Sẽ nhớ ra thôi…”. Bạn sẽ rất hài lòng khi được ông giải đáp về ngữ nghĩa một câu tiếng Pháp hoặc một điển tích hóc hiểm Trung Hoa.
Cứ rượu, cứ thơ. Mà lại thơ tình! Sau Tiếng thơ không dứt đến Mời trăng. Cả hai tập thơ đều thấm đẫm tình yêu. Không phải cái tình yêu chung chung mơ hồ ảo giác. Đích thực là một tình yêu nổi cộm. Nổi cộm mà không dung tục. Đặc biệt tập Mời trăng - một tiếng lòng cuối cùng. (…)
Đôi khi tôi được chứng kiến ông cũng có cái ngang khá hóm hỉnh. Một hôm đang ngồi trong “Trúc viên”, một anh chàng chức sắc chợt thấy ông và reo lên vẻ mãn khoái đầy quan trọng: “Anh Thông ơi, anh đã biết tin gì về Trần Xuân Bách chưa?”. Ông ngoái lại. Lặng im. Rồi thong thả buông từng tiếng: “Trần Xuân Bách hay ai đó nữa, tôi cũng không quan tâm. Bây giờ tôi chỉ biết nơi đây có rượu ngon, có bạn hiền…”. (…)
Tháng ngày gần đây, trước khi mất, ông sang “Trúc viên” thưa nhặt hơn. Mỗi lần sang, ông bước loạng choạng gấp gáp đầu chúi về trước”.
(Hết trích)