> Tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng: Quỹ vẫn dư
UBTVQH nhất trí với quy định mức lương làm thêm giờ ban đêm tăng thêm 20%. Theo đó, mức lương làm thêm ban đêm ngày thường, ngày nghỉ và ngày lễ tương ứng là 200%, 250% và 350%; thống nhất tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng đối với lao động nữ, nhưng người lao động có quyền đi làm sau khi nghỉ đủ 4 tháng trên cơ sở thỏa thuận với chủ sử dụng. Thời gian nghỉ hưu giữ nguyên như quy định hiện hành.
Thảo luận Bộ luật Lao động sửa đổi, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), bà Trương Thị Mai, đề nghị giữ nguyên quy định về làm thêm giờ hiện hành (làm thêm không quá 4 giờ/ngày, 200 giờ/ năm). Việc kéo dài thời gian làm thêm là đi ngược xu hướng tiến bộ, tạo cơ hội cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Thảo luận dự thảo Luật giá, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đề nghị không sử dụng ngân sách để bình ổn giá, vì sẽ không tạo ra tác động lớn, dễ bị lợi dụng và chỉ lợi cho một số doanh nghiệp. Chủ nhiệm UBTC-NS Phùng Quốc Hiển đề nghị việc sử dụng quỹ bình ổn phải hợp lý, điều hòa thị trường khỏi giật cục, không ảnh hưởng nguyên tắc thị trường.
“Cần minh bạch danh mục hàng hóa bình ổn và mỗi thời điểm Chính phủ sẽ bình ổn một số mặt hàng nào đó, chứ không phải với mọi loại hàng hóa trong danh mục đó. Nếu bình ổn vượt ra ngoài danh mục thì phải được cơ quan thẩm quyền cho phép”, ông Hiển nói.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, cơ chế, chính sách phải tránh tùy tiện bình ổn giá. Khi đưa một số dịch vụ y tế vào bình ổn thì cũng nên xem xét vấn đề học phí. Riêng mặt hàng thuốc lá điếu, có ý kiến cho rằng không nên đưa vào loại hàng hóa được bình ổn.
Tạm dừng thành lập mới các khu kinh tế?
Đoàn giám sát (UBTVQH) kiến nghị Chính phủ, bộ ngành liên quan tạm dừng việc ra quyết định thành lập mới, tiến hành tổng kết, đánh giá, phân loại, phân cấp quản lý đối với khu kinh tế (KKT) để có hướng đầu tư phát triển; nâng cao quyền chủ động và huy động được tối đa nguồn lực của địa phương.
Cần sớm ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại các KKT, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, cần xem xét lựa chọn 3 - 5 KKT ven biển báo cáo QH để tập trung nguồn lực đầu tư; lựa chọn tập trung đầu tư những KKT cửa khẩu có lợi thế làm đối trọng với các khu đô thị của quốc gia láng giềng.
Trưởng Đoàn giám sát - Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Văn Giàu cho biết, hiện cả nước có 15 KKT và 28 KKT cửa khẩu. Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ vào khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm.
Theo Đoàn giám sát, 11 KKT cửa khẩu có kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với các khu vực cửa khẩu của phía Trung Quốc. “Sự chênh lệch về quy mô và mức đầu tư của Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian qua đã tạo ra sự không cân xứng dọc theo toàn tuyến biên giới nói chung và khu vực cửa khẩu nói riêng”, ông Giàu nói.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT xem xét, đánh giá hiệu quả các KKT sau 20 năm thành lập, hoạt động.
“Phải tính hiệu quả đầu tư là gì ngoài doanh thu 8 tỷ USD so với nguồn đầu tư rất lớn, trên 11 ngàn tỷ đồng từ ngân sách và nếu tính cả số vốn của doanh nghiệp là hơn 52 tỷ USD?”, Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển nói.
Theo ông, việc đầu tư tại các KKT còn dàn trải và với diện tích quá lớn thì hỗ trợ từ ngân sách chỉ như “muối bỏ bể”, không tạo được diện mạo, sức bật mới. Cần phân loại, đề xuất cơ chế chính sách cụ thể.