Chi Pu- trường hợp kỳ lạ của showbiz Việt khiến cho tất cả các giọng hát “thị trường” trước đó thở phào vì đã có kẻ thế mạng cho dư luận xâu xé, nhưng vẫn có sô đều. Ít ra cô cũng hát thật thì mới lộ giọng dở. Tất nhiên những ca sĩ thiên về nhảy múa như Chi Pu thường xuyên sử dụng kỹ xảo âm thanh để làm nghề, bao gồm việc hát đè trên nền giọng thu sẵn của chính mình.
Còn nhớ trường hợp áp dụng thành công nghị định 79/2012 của Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh cuối năm 2019 để xử phạt ca sĩ Bùi Bích Phương và nhà tổ chức chương trình trên địa bàn tỉnh. Do khán giả xông lên cướp mic làm lộ ra nền nhạc thu sẵn đã bao gồm giọng hát ca sĩ. Nếu thực sự bám sát đời sống ca nhạc và muốn… tăng thu, cơ quan chức năng có thể đi phạt bất cứ show nào dùng nhạc sôi động. Vì thủ pháp hát thật trên nền giọng của chính mình thường xuyên được ca sĩ sử dụng nhất là khi họ phải nhảy. Ngoài tạo hiệu ứng âm thanh khác biệt, âu cũng là một cách né hát, lấy vũ đạo bắt mắt để “lòe” khán giả. Vì đằng thẳng ra ngày xưa chưa có kỹ thuật này thì ca sĩ chỉ còn cách hát với nhóm bè hoặc tiết chế vũ đạo, rèn luyện cột hơi để có thể vừa hát vừa vận động mà không hổn hển. Kỹ xảo, công nghệ giúp cho người làm nghề nhàn đi nhiều.
Thả cho hát nhép để hậu kiểm kể cũng có lý vì thực tế hồi còn cấm, người ta vẫn hát nhép đầy ra. Tuyệt đại đa số chương trình ca nhạc truyền hình đều dùng thủ thuật đàn nhép, hát nhép. Vì như thế sẽ giảm chi phí cũng như thời gian công sức của tất cả các bộ phận. Chả thế mà khán giả phải bỏ tiền triệu để đến xem những liveshow, ở đó các nghệ sĩ phải mất vài tuần tập dượt, giữ sức để có đôi ba tiếng thăng hoa trên sân khấu.
Vừa rồi tôi có dịp dự một show ghi hình tại trường quay của một đài truyền hình lớn. Có tiết mục sau khi trình diễn (nhép) xong đạo diễn đề nghị ca sĩ hát thật để quay lại, rồi khen lần trình diễn sau tốt hơn. Công bằng mà nói lần đầu âm thanh căng nét nhưng chắc chắn không có độ chân thật thổn thức bằng lần sau. Lại có tiết mục ngay từ đầu ca sĩ đã được yêu cầu hát thật vì toàn bài chỉ có rap, nếu nhép khớp miệng hơi khó. Những thể loại thể hiện cảm xúc trực diện như rap mà nhép sẽ hạn chế cảm xúc của cả người biểu diễn và khán giả khá nhiều. Tóm lại là điều kiện nhà đài hoàn toàn cho phép ca sĩ hát thật, có điều đài có muốn làm hay không. Nhưng tất nhiên tiến tới chơi thật cả ban nhạc lại là chuyện khác.
Thực sự ở Việt Nam chuyện hát nhép/thật có vẻ vẫn chưa được coi trọng cho lắm. Ở Trung Quốc thì khác, các ca sĩ bị phát hiện hát nhép dù ở lễ khai mạc Thế vận hội, chương trình China’s Got Talent hay ở một show ghi hình tất niên (nhiều người xem) thì đều bị lên án, thậm chí không ngóc đầu lên nổi, nhất là với người vừa trình làng đã nhép. Dù đó không hẳn là lỗi của họ mà là của BTC chương trình. Ở những vụ đều đã đình đám này, người thì nhép giọng mình (đã được mông má bằng kỹ thuật phòng thu), người thì nhép giọng người khác. Sự nghiêm khắc của dư luận khiến cho các ca sĩ hiểu rằng hát nhép cũng giống như chơi dao.
Toàn cảnh hát nhép ở Việt Nam bây giờ hoàn toàn tùy thuộc vào sự khó tính của khán giả và tất nhiên sự tự trọng của những người đã chọn hát làm nghề nghiệp. Các ca sĩ cứ thử mạnh dạn yêu cầu hát thật trong tất cả các chương trình mà mình nhận lời tham gia xem khán giả có cổ vũ không nào!