Thoái vốn nhà nước: Càng chuyên nghiệp hiệu quả càng cao

TP - Hơn 10 năm, với hoạt động chủ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) và bán vốn nhà nước tại DN, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, đổi mới phương thức quản lý vốn từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư, kinh doanh vốn tiên tiến. Với SCIC, đây là “sứ mệnh” mà Tổng công ty luôn ý thức cố gắng làm tốt nhất trong khả năng!

Biến "trái đắng" thành quả ngọt

10 năm gắn với nghiệp quản vốn và bán vốn Nhà nước, SCIC từng quản những DN phức tạp, mâu thuẫn nội bộ, yếu kém khiến Tổng công ty phải vất vả xử lý để biến “trái đắng” thành quả ngọt. Câu chuyện CTCP Du lịch Đồ Sơn (DN có 55,63% vốn nhà nước) là ví dụ điển hình. Thời điểm đó, sau cổ phần hóa hai năm, DN này không thực hiện được Đại hội cổ đông thường niên do khiếu kiện giữa các nhóm cổ đông triền miên. Ngay sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại DN, SCIC lập tức phải cử cán bộ về biệt phái tại DN, nhằm rà soát chấn chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Cùng lúc đó, CTCP Du lịch Đồ Sơn phải đối mặt với rất nhiều đơn kiện của các nhóm cổ đông trong DN do mâu thuẫn quyền lợi, thậm chí ĐHCĐ thường niên năm 2015 có nguy cơ bị phá nửa chừng nếu chủ tọa là cán bộ SCIC không vững luật. Với nhiều trí lực của SCIC, cuối cùng, CTCP Du lịch Đồ Sơn đã cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh. Năm 2015, SCIC đã thoái vốn thành công với giá trị thu về gấp 34 lần giá trị sổ sách.

Hay trường hợp CTCP Du lịch Kim Liên (tên thường gọi là Khách sạn Kim Liên), phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 31 tỷ đồng đã bán được với giá 1.000 tỷ đồng, cao gấp 32 lần. Phần vốn nhà nước tại CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo có giá trị sổ sách 16 tỷ đồng đã bán được với giá 109 tỷ đồng, cao gấp 6,8 lần.

Điểm chung của những thương vụ bán vốn trên là việc lựa chọn thời điểm bán phù hợp, tổ chức đấu giá công khai minh bạch và áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược...

Nhìn rộng hơn, trong 10 năm qua, SCIC đã triển khai việc bán vốn nhà nước tại 961 DN và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là 7.763 tỷ đồng, thu về 27.215 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phân tích, mổ xẻ kinh nghiệm của các thương vụ bán vốn nhà nước thành công. Điều này nên được Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu để đẩy mạnh áp dụng chung cho các DN nhà nước, tập đoàn, tổng công ty nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN.

Năm 2016, SCIC đã bán thành công phần vốn Nhà nước tại Vinamilk với giá cao hơn thị trường

Sẵn sàng nhận chuyển giao vốn Nhà nước

Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 DN. SCIC với vai trò là cổ đông đã thường xuyên hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác quản trị tại các DN có vốn nhà nước. Các chuẩn mực về quản trị DN tiên tiến được SCIC nỗ lực chuyển hóa vào hoạt động của các DN. Cuốn “Sổ tay hướng dẫn biểu quyết” và “Bộ quy tắc Quản trị doanh nghiệp” mà SCIC phối hợp cùng các tổ chức quốc tế thực hiện được xem là những công cụ hỗ trợ hữu ích dành cho người đại diện vốn nhà nước trong việc biểu quyết các vấn đề về Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị, chuẩn hóa công tác quản trị DN…

Nhiều cách làm mới theo thông lệ hiện đại trên thế giới đã được SCIC nghiên cứu, xây dựng và đề xuất áp dụng, đem lại hiệu quả cao, đơn cử như Quy chế bán cổ phần, Quy chế Người đại diện vốn, Quy chế quản trị vốn đầu tư…. Một số điểm đặc thù và mang tính đột phá trong cơ chế bán vốn nhà nước tại DN đã được SCIC triển khai mang lại hiệu quả tích cực. Mới đây, SCIC đã phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài tập huấn cho cán bộ nhân viên về các phương thức bán vốn hiện đại như book-building (dựng sổ), M&A (bán cả DN). Hiện, Tổng công ty cũng rất sẵn sàng cho việc nhận chuyển giao để quản lý và tiến tới tái cơ cấu, thực hiện bán vốn tại các DNNN chuyển từ bộ, địa phương.

Tính đến 31/8/2017, danh mục của Tổng công ty gồm 141 DN với giá trị vốn nhà nước gần 19.559 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 94.931 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đạt được kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển vốn, các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Vốn tiếp nhận theo giá thị trường từ 15.000 tỷ đồng sau 10 năm đã được nhân lên gấp 10 lần, đạt con số 151.900 tỷ đồng. Giá trị này bao gồm cả phần thu cổ tức trong 10 năm qua 25.700 tỷ đồng, cả phần thu lãi bán vốn 19.400 tỷ đồng và số vốn còn lại theo thị trường là khoảng 106.800 tỷ đồng. Đây là kết quả ấn tượng, minh chứng rõ nét nhất về tính hiệu quả khi vốn nhà nước được giao về tay SCIC.  

Vinaconex- DNNN hàng đầu của lĩnh vực xây dựng cũng được SCIC sát cánh và cùng tái cơ cấu kịp thời.

Đón chờ  cú hích giai đoạn mới

Trong giai đoạn 2016 - 2020, quá trình cổ phần hóa tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, mở rộng tới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, đòi hỏi phải có cơ chế phù hợp nhằm xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN, tổ chức định giá sát với giá thị trường; bán cổ phần công khai, minh bạch; gắn cổ phần hóa với thị trường chứng khoán và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần...

Theo lãnh đạo SCIC, ý thức được điều này, SCIC đã lên kế hoạch và cách thức bán vốn bài bản với việc xây dựng quy chế, quy trình công khai và minh bạch (từ thuê tư vấn, định giá khởi điểm, công bố thông tin, bán cổ phần qua giao dịch khớp lệnh hay đấu giá...). Tại cuộc làm việc với Ban Đổi mới và phát triển DN mới đây, lãnh đạo SCIC đã đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình bán vốn, vừa đem lại hiệu quả tối ưu cho Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho các DN sớm ổn định cơ cấu cổ đông để tiếp tục phát triển. Theo đó, SCIC kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét cho phép áp dụng một số phương pháp theo thông lệ quốc tế như M&A, bookbuilding, bán theo lô, bán vốn kèm bán công nợ…

Tuy nhiên, dù Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo và SCIC đã chủ động thường xuyên đôn đốc nhưng đến nay công tác chuyển giao còn rất chậm: 8 tháng đầu năm 2017, Tổng công ty chỉ tiếp nhận được 08 DN với giá trị vốn nhà nước là 713,4 tỷ đồng. (Trong khi tại công văn số 2225/TTg-ĐM ngày 12/12/2016 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố phải hoàn thành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 61 DN với tổng số vốn nhà nước là 6.412 tỷ đồng trong Quý I năm 2017).

Dự kiến, nếu thoái hết vốn tại 12 DNNN lớn, Nhà nước có thể thu được tới 7,2 tỷ USD (khoảng 160.000 tỷ đồng). Nhận xét của Chính phủ và các chuyên gia, đây sẽ là nguồn thu rất lớn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.

Chia sẻ về những kinh nghiệm để triển khai các đợt bán vốn thành công, lãnh đạo SCIC cho biết: “Việc xây dựng quy chế, quy trình và tổ chức thực hiện công tác bán vốn luôn quán triệt và tuân thủ các nguyên tắc: bảo toàn, phát triển giá trị vốn nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với thị trường và phù hợp với quy định pháp luật; việc xác định giá khởi điểm khi bán cổ phần nhà nước đảm bảo phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao theo quy định của pháp luật”.