Ta tin hơn khi biết anh còn chăm chú và say mê tích lũy và viết về phê bình văn học. Gần anh từ thuở sinh viên văn khoa, tôi biết anh mê mỹ học theo nghĩa rộng của từ loại này.
Thơ Văn Xuôi của Phan Cung Việt như là một hệ quả tất yếu của mỹ học. Nếu được phép nói đôi chút lý luận, là như vậy, như là sự đề từ cho một mảng thơ mới lạ đầy khám phá của tác giả trong cánh rừng thi ca.
Nói là nhà thơ, đồng thời là nhà văn Phan Cung Việt theo nghĩa đích thực của nó, hoàn toàn không phải là gom ít thơ, một ít văn xuôi có sẵn trong người để trở thành cái gọi là Thơ Văn Xuôi.
Ở thể loại thơ chưa mấy định hình này ở ta, ở các nhà thơ nhà văn chuyên nghiệp và nghiệp dư, theo chúng tôi, phần nhiều còn ở dạng thu gom đơn giản như vậy.
Bởi vậy, phần lớn cái gọi là Thơ Văn Xuôi của ta hiện nay còn thiếu thụt rất nhiều những thứ nào đó của thơ, thiếu cái lý ra đời của nó, từ đặc trưng thơ, tính thẩm mỹ của thơ, biên độ mở rộng của nó, sự giao hoan với văn xuôi, sự thăng hoa của văn xuôi để thành thơ...
Tóm lại, bao nhiêu việc, bao nhiêu câu hỏi đặt ra với Thơ Văn Xuôi, để làm cho Thơ Văn Xuôi có lý trong sự có mặt của nó trong thi đàn.
Tôi có cảm nhận Phan Cung Việt bước chân vào Thơ Văn Xuôi khi anh đã trăn trở và tự trả lời nhiều vấn đề thi ca hóc búa đã nói ở trên. Nhà thơ có sự bình thản tìm kiếm, thử nghiệm, dò đường.. Và anh đã tìm được lối đi cho mảng thơ mới mẻ này.
Mấy năm gần đây trên các trang thơ chuyên nghiệp, một số bài Thơ Văn Xuôi của Phan Cung Việt gây được ấn tượng. Bạn đọc sành thơ tìm thấy trong những bài Thơ Văn Xuôi của anh một ấn tượng mới, sự thăng hoa mới, hiệu quả cảm xúc mới... Bước đầu người ta nhận ra được cái lý của sự có mặt mảng thơ cải tiến này....
Cỗ cơm chay nơi chùa Lâm Du, Dầu đượm, Hàn Mặc Tử, Chuyện hai bờ sông Bồ Đề, Huỳnh Văn Nghệ, Tiều phu Thơ... là những bài Thơ Văn Xuôi xuất sắc có đóng góp quý giá của Phan Cung Việt.
Mảng thơ văn xuôi chân dung, mảng thơ văn xuôi đất nước như là sự mở rộng cần thiết cho bức tranh thơ, giai điệu, tiết tấu thơ...
Thơ Văn Xuôi là thế sự của Phan Cung Việt thành công nhất ở việc giữ vững đặc trưng thơ, tiếng nói riêng của thơ. Theo chúng tôi, đây là điều khó, điều cốt lõi trong chuyện luận này.
Và đó chính là điều đã đến lúc cần nói về Thơ Văn Xuôi Phan Cung Việt...
Mời bạn đọc thử hai bài thơ trọn vẹn của nhà thơ đầy sáng tạo của chúng ta để cảm nhận Thơ Văn Xuôi là thế nào. Bài Dầu đượm và Cậu Nguyên, trong số hàng chục bài Thơ Văn Xuôi của Phan Cung Việt.
Dầu đượm
Phố Xuân Hương xậm xịt mưa chiều. Bạn tôi đến đọc câu Dầu đượm. Phố với xá dạo này mất điện. Người với người mờ mịt trong nhau.
Dầu đượm nằm ở giữa một câu. Câu trước đó là ai về, ai ở... Một tiếng mặc làm mươn đời gió trở. Ta với mình dầu đượm năm canh!
Chỉ thế thôi cũng đủ thác đủ gềnh. Đủ nhân thế vĩnh hằng kiếp kiếp. Bà ta đọc rồi Mẹ ta đọc tiếp. Bao câu thiêu thân táp lấy ngọn đền. Ôi dầu đượm, chi ngọn đèn hạt đỗ, mà bao kiếp người thề thốt suốt đêm?
Tôi lắng nghe câu thơ ngân lên, nơi này bỗng đỏ đèn, nơi kia đèn vụt tắt, nơi này nụ cười nơi kia nước mắt. Kiếp này trắng đêm kiếp kia bạc tóc. Đèn thâu đêm hoặc đèn tắt nghìn năm...
Tôi chắc rằng khi câu thơ ngân lên, có người đẹp chốn nào bật khóc!
Hồ Khương mưa nắng, 18/6/2005
Cậu Nguyên
Càng sống càng ngấm ra: Bà con nội ngoại gần xa ai cũng là người đáng quý. Từ Bác Chú bên Cha đến Cậu Dì bên Mẹ. Từ bác Toàn, chú Ngân, chú Nga đến dì Hòe, cậu Song, cậu Quì, cậu Chín... Nhưng có lẽ tôi nhớ nhất cậu Nguyên.
Cậu là anh kề của mẹ tôi. Thuở bé Cậu me chơi chim, phân chim bao giờ cũng đầy trong túi. Tuổi trẻ, cậu mặc bộ comple trắng, đội mũ trắng, đi giầy trắng. Cậu yêu và lấy một người con gái đẹp nhất vùng sông La. Con gái sông La đẹp nhất vùng Hà Tĩnh.
Một đời cậu chăm sóc cái đẹp như chăm một con chim Vàng Anh. Và chịu nỗi cực nhọc vốn có của kiếp người, của cái màu vàng lông chim thường huyễn hoặc.
Đôi mắt cậu luôn rơm rớm để tôi biết cuộc đời này là khổ, nhưng cái miệng cậu luôn cười để tôi biết cuộc đời này cũng là vui.
Cậu rạch ròi ruột thịt và phận người, như bà chăng những dải lụa vàng dọc chân đê. Cậu thương mẹ tôi như một con chim non, nhưng biết lùi xa để con chim tự bay tự nhảy. Nhất là để cho con chim tự hót và yêu.
Thuở cậu đến nhà, quà cho em gái sinh con là gánh củi. Lửa cháy liu điu trong bếp than vùi.
Chẳng hiểu sao tên Cậu lại là Nguyên. Đúng quá cái tên ông bà đặt. Cuộc đời Nguyên là thế này nguyên là thế kia. Mỗi người nguyên là thế này nguyên là thế kia. Nguyên là nụ cười nguyên là nước mắt.
Mùa Nóng, 14/6/98