Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm qua tuyên bố, nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút binh lính trong vòng 48 tiếng, nước này sẽ có quyền sử dụng mọi biện pháp khả thi, Reuters đưa tin.
Chính phủ Iraq tuyên bố có thể sẽ cầu viện Liên Hợp Quốc sau khi phát hiện Thổ Nhĩ Kỳ điều một đơn vị quân đội lớn được xe thiết giáp hộ tống tiến vào khu vực gần thành phố Mosul của Iraq mà không xin phép Baghdad. Ngày 7/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu biện bạch rằng, việc triển khai quân là cần thiết nhằm bảo vệ các cố vấn quân sự nước này đang huấn luyện binh sĩ Iraq chuẩn bị cho chiến dịch chiếm lại Mosul.
Cả Tổng thống, Thủ tướng và Ngoại trưởng Iraq đều lên tiếng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân, coi đây là hành động thù địch và vi phạm luật pháp quốc tế. Iraq đã triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili đe dọa rằng, Baghdad có thể nhờ tới sự “can thiệp quân sự trực tiếp” của Nga để đối phó hành động “xâm phạm chủ quyền” của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Sputnik. Ankara đã phải tuyên bố ngừng đưa quân tới Iraq.
Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ điều hàng trăm quân tới Iraq để thực hiện kế hoạch hỗ trợ huấn luyện quân sự cho dân quân người Kurd “chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)” ở Mosul là một hành động nhằm gây chia rẽ, bất ổn ở Iraq, nâng cao vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nga - nước đang có những bất đồng sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, nước này hiện có khoảng 1.200 lính bộ binh, 500 lính bộ binh cơ giới với nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo ở khu vực Bamarni, gần thành phố Mosul của Iraq. Ngoài ra, họ có 400 lính đặc nhiệm đóng quân tại thị trấn biên giới Kanimasi, cùng 25 xe tăng được điều đến khu vực này.
Ông Haluk Ozdemir, Trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Kirikkale (Thổ Nhĩ Kỳ), cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ điều các đơn vị quân đội tiến vào Iraq mà không xin phép chính quyền là một tín hiệu cảnh báo tới Nga - nước đang có quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ với Iraq. Theo giới phân tích, chiến dịch quân sự trả đũa của Nga có thể gây thiệt hại nặng cho các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng và tiếng nói của Thổ Nhĩ Kỳ, buộc nước này phải có những hành động nhằm khôi phục vị thế của mình trong khu vực.