Thiếu niên 15 tuổi phải cắt bỏ tinh hoàn vì giấu bệnh khi đau vùng kín

TPO - Do thời gian tinh hoàn bị xoắn khá lâu, dẫn tới tình trạng hoại tử không còn khả năng điều trị phục hồi. Các bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ một bên tinh hoàn bị xoắn để tránh nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.

Ngày 30/7, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, tại đây vừa thực hiện cuộc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị hoại tử cho bệnh nhân 15 tuổi.

Bệnh nhân là thiếu niên P.N.M. (15 tuổi), ngụ tỉnh Đồng Nai. Khoảng hai ngày trước khi nhập viện, M. có biểu hiện bị đau ở vùng bìu nhưng vì xấu hổ nên M. không nói với cha mẹ, cho đến khi bìu càng ngày càng sưng to, đau dữ dội.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, qua thăm khám và kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn bên phải. Các bác sĩ quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do thời gian tinh hoàn bị xoắn khá lâu, dẫn đến hoại tử không còn khả năng điều trị phục hồi. Các bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ một bên tinh hoàn bị xoắn để tránh nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.

Những trường hợp bị xoắn tinh hoàn nếu được phát hiện, can thiệp trong 6 giờ đầu sẽ giúp tinh hoàn phục hồi hoàn toàn (ảnh minh họa)

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, những trường hợp bị xoắn tinh hoàn nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trong 6 giờ đầu khả năng phục hồi được tinh hoàn cho bệnh nhi là 100%. Tuy nhiên, trên thực tế đa số các trường hợp xoắn tinh hoàn đến bệnh viện đều quá “thời gian vàng”. Nếu phát hiện trong khoảng từ 6-12 giờ thì tỷ lệ cứu được tinh hoàn giảm còn 50%, khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu và đến trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn.

Thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho gần 20 trường hợp xoắn tinh hoàn. Các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng thường gặp nhất trong giai đoạn chu sinh (trẻ mới chào đời) và quanh tuổi dậy thì. Thời gian gần đây, trẻ bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện điều trị thường gặp ở tuổi dậy thì.

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ ở nhóm tuổi dậy thì dễ bị mất tinh hoàn là do khi khởi phát triệu chứng đau ở vùng kín các em thường có tâm lý ngại ngùng, che giấu, không nói sớm cho cha mẹ biết để đưa đi khám. Một số trường hợp cha mẹ biết nhưng không chú ý nên đến bệnh viện trong tình trạng chậm trễ.

Các sĩ cảnh báo, khi trẻ bị đau bìu một bên đột ngột và dữ dội (thường xuất hiện vào ban đêm), sưng đỏ bìu, buồn nôn và nôn, có thể kèm đau vùng bụng thấp là những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xoắn tinh hoàn. Một số trẻ có triệu chứng không điển hình như đau bụng hạ vị lệch trái hoặc phải trước rồi sau đó mới xuất hiện triệu chứng đau bìu. Vì vậy, khi trẻ than phiền đau nửa bụng dưới, cha mẹ nên quan sát hoặc hỏi trẻ có đau bìu cùng bên hay không, tránh bỏ sót tình trạng xoắn tinh hoàn ở giai đoạn sớm.

Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp đã mất một bên tinh hoàn, phụ huynh lưu ý nên tránh cho trẻ chơi các môn thể thao có tính đối kháng như đá bóng, tập võ để phòng nguy cơ chấn thương làm dập vỡ tinh hoàn còn lại.