Thiếu niềm tin mới tin “ngày tận thế”

TP - Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, khi tin vào một điều không phải là khoa học như ngày tận thế thì có nghĩa người ta đang thiếu niềm tin vào bản thân và hoài nghi các giá trị xã hội.

> Trăm kiểu đón ... ‘ngày tận thế’ ở Mỹ
> Nông dân tự chế cầu thép trốn 'Ngày tận thế'

Có khi chỉ là cái cớ

Thưa ông, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng khẳng định sẽ không có ngày tận thế song nhiều người vẫn tin ngày tận thế sẽ đến. Có người có những hành động tiêu cực. Tại sao vậy?

Nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyễn An Chất: Tôi được biết thông tin ngày tận thế khiến nhiều người trên khắp hành tinh có những hành động tiêu cực như kêu gọi nhau tự sát tập thể, xây hầm trú ẩn, đổ xô đi mua lương thực dự trữ.

Ở góc độ tâm lý học mà nói, những người tin vào ngày tận thế như vậy đều là những người thiếu đi sự tự tin vào bản thân mình, suy nghĩ của mình. Nói khác đi, gốc rễ của niềm tin vào ngày tận thế là con người không có niềm tin vào chính mình.

Nếu tự tin vào bản thân, khi nghe được những thông tin như thế, bạn sẽ đặt những câu hỏi như “Thông tin như thế xuất phát từ đâu? Có đáng tin cậy hay không? Các nhà khoa học nói như thế nào về vấn đề này?”.

Từ đó bạn sẽ thấy chẳng có điều gì đáng quan ngại cho ngày 21-12-2012 tới. Nhưng khi bạn không tự tin vào chính mình, nghe những thông tin như ngày tận thế, bạn sẽ dễ dàng hoang mang, tin theo.

Không chỉ tin vào ngày tận thế, xem bói hay cầu may, giải hạn cũng đều xuất phát bởi con người thiếu sự tự tin bản thân. Điều này đặc biệt xảy ra nhiều hơn ở nữ giới.

Nguyên nhân dẫn đến thiếu niềm tin vào bản thân có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về tri thức cũng có thể bởi sự bế tắc về một vấn đề gì đó trong cuộc sống như sự nghiệp, tình cảm.

Cũng có một tình huống tâm lý khác là nhiều người không thực sự tin vào ngày tận thế, nhưng vẫn tỏ vẻ tin tưởng và muốn thực hiện một điều gì đó khác lạ. Đây là một dạng tâm lý muốn mượn ngày tận thế như cái cớ để làm thỏa mãn những mong muốn âm ỉ mà lâu nay chưa thực hiện được.

Cách để phản ứng với cái đang có

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học): Tin vững chắc hoặc không vững chắc vào ngày tận thế phản ánh một tâm lý rất đặc biệt trong xã hội hiện đại. Đó là sự hoài nghi, mất niềm tin vào hàng loạt giá trị của đời sống.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: “Cũng có những người phản ứng bằng cách buông xuôi cuộc sống. Dù hành động theo hướng nào đi nữa cũng đều nói lên một mong muốn thay đổi”. Ảnh: Hải Yến .

Họ tin vào ngày tận thế không có nghĩa trong thâm tâm họ chắc chắn như vậy. Nhưng bản thân họ đang nghiêng về xu hướng phản ứng, phủ định trật tự xã hội hiện nay. Xét đến cùng, nó giống như một sự phê phán giá trị, chất lượng đời sống hiện nay.

Mức độ phản ứng đó có nhiều cung bậc. Có thể là phản ứng về thiết chế chính trị đang thống trị họ, nhưng cũng có thể phản ánh khát vọng vươn tới một thực tế đời sống toàn bích hơn.

Niềm tin vào ngày tận thế tác động thế nào đến con người và xã hội?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Việc con người tin vào ngày tận thế ở nhiều cung bậc khác nhau sẽ tác động trực tiếp đến hành động của họ hằng ngày. Ở góc độ tích cực, người ta có thể gia tăng niềm say mê hứng khởi làm việc.

Họ có thể tăng cường giao lưu cá nhân, liên cá nhân hoặc tăng cường giao tiếp xã hội hoặc miệt mài nghiên cứu, vùi sâu vào cái siêu thực với mong muốn làm gì đó tươi mới hơn xã hội mà họ đang sống.

Cũng có những người phản ứng bằng cách buông xuôi cuộc sống. Dù hành động của họ theo hướng nào đi nữa cũng đều nói lên một mong muốn thay đổi.

Nhà nghiên cứu Nguyễn An Chất: Niềm tin vào ngày tận thế của một người có thể làm náo loạn cuộc sống, ít nhất là trong một gia đình, một nhóm, một công sở, mở rộng hơn là một cộng đồng.

Việc rủ nhau tự tử tập thể hay xây hầm trú ẩn, đổ xô mua nến, thức ăn chờ ngày tận thế đã chứng minh điều đó. Cũng không ít người lợi dụng ngày tận thế để kinh doanh, kiếm lời, lừa đảo.

Cảm ơn các ông.

Không có ngày tận thế

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định ngày 21-12 không phải là ngày tận thế. TS John Carlson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn học Cổ đại của NASA, nói: “Trên thực tế, lịch của người Maya cổ đại không kết thúc vào ngày 21-12. Cũng giống cuốn lịch của chúng ta ngày nay bắt đầu lại vào ngày 1-1, ngày 21-12-2012 cũng chỉ là một thời khắc bắt đầu một chu kỳ đếm ngày mới cho lịch của người Maya”.

Các giả thiết dẫn đến ngày tận thế như hành tinh Nibiru trong các truyền thuyết của người Sumer cổ đại về sự xuất hiện, va chạm với Trái Đất và hủy diệt tất cả hoặc bão từ sẽ làm Trái Đất đảo cực cũng bị NASA phủ nhận.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, nói: “Tôi chưa bao giờ tin vào ngày tận thế”.

Theo Báo giấy