Thiếu hình tượng mẫu mực, giới trẻ dễ đánh mất mình

TPO – Tối 7 – 3, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, báo Tiền Phong, ĐH FPT phối hợp tổ chức chương trình Giao lưu, tọa đàm về chủ đề Lệch lạc thần tượng: Nhìn thẳng nói thật.

Đến dự đêm giao lưu có bà Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Lê Quang Tự Do, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn; ông Trần Thanh Lâm, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong; ông Lê Anh Đạt, Phó Tổng TKTS kiêm Trưởng ban Thanh niên báo Tiền Phong; Tiến sỹ Tâm lý Nguyễn Kim Quý. Đại diện trường ĐH FPT, bà Nguyễn Hoài Anh, trưởng phòng Quan hệ cộng đồng cùng tham dự. Đặc biệt, đêm giao lưu có sự góp mặt của hai Á hậu cuộc thi HHVN 2012 Dương Tú Anh và Đỗ Hoàng Anh, ca sĩ Mai Trang.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Lâm, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong nhận xét hiện nay có nhiều bạn trẻ có quan niệm sống không thể thiếu thần tượng. Đó là sự lệch lạc, gây nhiều mối lo lắng cho gia đình, xã hội. Trước thực trạng đó, báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, diễn đàn của đoàn viên, thanh niên đã tổ chức diễn đàn Lệch lạc thần tượng.

“Qua gần hai tháng mở diễn đàn, chúng tôi đã nhận được hơn 300 tin, bài gửi về, trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp của cả phụ huynh, học sinh, sinh viên, nhà tâm lý, giáo dục, các người nổi tiếng… thậm chí có cả những chia sẻ từ những người từng “lệch lạc thần tượng””, ông Lâm chia sẻ.

“Chúng tôi hy vọng, qua diễn đàn này, sẽ gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về sự tôn sùng, ngưỡng mộ thần tượng “phát cuồng”, “phát điên” của một số bạn trẻ, qua đó cùng với sự chia sẻ, hiến kế của bạn đọc, sự vào cuộc của các chuyên gia, các nhà tâm lý, giáo dục, các cơ quan liên quan, chúng ta sẽ giúp một bộ phận giới trẻ bình tĩnh hơn, hiểu đúng và thần tượng đúng”, ông Lâm nói thêm.

Phó TBT báo Tiền Phong Trần Thanh Lâm cho biết: trong thời gian gần hai tháng, Diễn đàn đã nhận được hơn 300 tin, bài gửi về.

Thiếu hình tượng mẫu mực, giới trẻ dễ đánh mất mình

Nói về hiện tượng hâm mộ thái quá, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho biết, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, cốt lõi nhất là từ chính bản thân các bạn trẻ. Bên cạnh đó có nguyên nhân tác động khác như: điều kiện gia đình, áp lực từ gia đình, học tập …

“Ở nông thôn, các em phải làm việc cùng gia đình, không có đủ thời gian để xây dựng cho mình một thần tượng, nên ít có chuyện hâm mộ, thần tượng thái quá. Còn ở thành phố điều kiện sống cao hơn, sự giao lưu với văn hóa của thế giới rất thuận lợi, có nhiều gia đình chiều chuộng con hơn”, TS. Quý nói.

Bà cũng phân tích thêm: “Nhà trường chưa định hướng được cho giới trẻ về thần tượng. Rất nhiều bạn trẻ cứ nghe theo và a dua theo một trào lưu, lây truyền từ người này sang người khác”.

Cũng theo TS. Quý, về góc độ xã hội, trong thời gian qua chúng ta chưa tập trung xây dựng các hình tượng mẫu mực về thần thượng, mà lại giới thiệu quá nhiều về các ca sĩ, diễn viên, dẫn đến việc hấp dẫn, thu hút giới trẻ quá nhiều. Trong khi đó, rất nhiều hình tượng mẫu mực trong lao động sản xuất lại chưa được quan tâm.

“Xã hội bức xúc rất nhiều về vấn đề lệch lạc thần tượng. Tôi xem tin tức về chương trình giao lưu với ca sĩ Hàn Quốc, có bạn trẻ hôn ghế thần tượng đã ngồi. Mình là người Việt Nam, tại sao mình lại làm việc đó? Đây là một việc làm hết sức thiếu suy nghĩ, thiếu chín chắn và hạ thấp giá trị bản thân mình trong mắt mọi người, trong mắt bạn bè quốc tế”, bà Quý nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với TS. Quý, Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 Tú Anh cho rằng những hành động hâm mộ thái quá là tự đánh mất mình khi trả lời câu hỏi của MC: “Là người nổi tiếng, nếu có người hâm mộ bạn một cách thái quá như hôn ghế của bạn vừa ngồi thì bạn sẽ giải quyết thế nào”. “Tú Anh sẽ cảm thấy rất vui nếu được các bạn dành tình cảm yêu mến, nhưng nếu có hành động thái quá thì Tú Anh sẽ buồn lắm. Lúc đó, hành động đó không còn là sự tôn trọng, yêu quý Tú Anh nữa. Đó là hành động tự đánh mất bản thân mình”, Tú Anh thẳng thắn.

Thần tượng của người nổi tiếng, họ là ai?

Chia sẻ điều này, Á hậu Dương Tú Anh cho biết, từ nhỏ đã thần tượng rất nhiều người, nhưng vẫn thần tượng nhất là ông ngoại. Tú Anh chia sẻ, ông ngoại của cô là một sĩ quan quân đội, rất nghiêm khắc nhưng nhân ái và chỉn chu. Tú Anh bảo, đó là điều cần phải học tập, và mong muốn có được những đức tính của ông. “Thần tượng không quá xa xôi, mà hãy thần tượng những gì đáng quý trong cuộc sống, ở ngay trong gia đình của chính mình”, Á hậu Tú Anh chia sẻ.

Á hậu Hoàng Anh chia sẻ từng thần tượng nhiều thầy cô giáo. Ảnh: Xuân Tùng

Nói về vấn đề “sao nội, sao ngoại”, Á hậu Hoàng Anh cho rằng, xung quanh chúng ta, ngay trong cuộc sống thường nhật có rất nhiều người điển hình, nên học tập theo, thần tượng. “Không phải tất cả mọi người đều yêu thích sao ngoại, nhiều người cũng hâm mộ các ngôi sao trong nước, những ca sĩ, diễn viên giỏi trong các lĩnh vực văn hóa, điện ảnh, âm nhạc”, Hoàng Anh nói.

Hoàng Anh cũng tâm sự, trong suốt quá trình học tập của mình, đã từng thần tượng nhiều thầy cô giáo. Ngay cả bây giờ, khi đang là sinh viên trường ĐH Văn hóa, Hoàng Anh cũng thần tượng nhiều giáo viên dạy dỗ mình.

Theo Hoàng Anh, hiện tại, trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương tốt, nhưng chưa đưa lên thành thần tượng vì các trang thông tin về ngôi sao, tin tức về diễn viên, ca sỹ, người ,mẫu quá nhiều, trong khi rất ít tấm tương về các nhà hảo tâm, từ thiện, sinh viên tình nguyện, người tốt, việc tốt.

“Nếu có phong trào tìm hiểu, phát hiện những tấm gương như thế làm thần tượng cho các bạn trẻ trong cuộc sống thì rất tốt”, Hoàng Anh tâm sự.

TS. Lê Thị Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng chia sẻ, bà cũng thần tượng nhiều người, trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa… nhưng thần tượng suốt đời vẫn là người cha của bà. Vì thần tượng cha, dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ, bà luôn đeo đuổi, phấn đấu để đến bây giờ đã hoàn thành nhiều tâm nguyện, ước muốn của cha bà lúc còn sinh thời. “Ba tôi muốn tôi làm nhà giáo, tôi đã làm nhà giáo. Ba tôi muốn tôi trở thành nhà văn, viết về quê hương xứ Huế, tôi đã viết về quê hương…”, bà Hồng nói trong xúc động. “Với tôi, ba mẹ luôn là thần tượng. Nếu các bạn có thần tượng một ai đó, hãy vươn tới sống đẹp, sống tốt, sống xứng đáng với thần tượng của mình”, bà Hồng chia sẻ.

Tìm hướng ra

“Lệch lạc thần tượng sẽ dẫn đến tư duy lệch lạc, rồi thể hiện tính khác người, thay đổi hình dạng, thẩm mỹ cho giống với thần tượng. Các bạn trẻ đang thời kỳ học tập, lại cứ loay hoay với thần tượng, nếu không tập trung vào học thì sẽ phá hỏng tương lai”, bà Quý nói.

Theo tiến sỹ Quý, muốn tránh khỏi hiện tượng Lệch lạc thần tượng, trước tiên các bạn trẻ phải hiểu đúng khái niệm về thần tượng. Các bạn trẻ không nên bộc lộ một cách thái quá để thể hiện mình một cách khác người. Thần tượng nên là một tấm gương để noi theo, phấn đấu chứ không phải để a dua, đua đòi. “Các bạn trẻ dù thần tượng đến đâu chăng nữa thì cũng phải quan tâm đến công việc chính là học tập để trở thành người tốt, cống hiến cho xã hội”, bà Quý nói.

Trao đổi tại cuộc giao lưu, ông Lê Quang Tự Do, Phó Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn cho biết, trong cuộc sống có rất nhiều người đáng để học tập, đáng để kính trọng, nhưng các bạn trẻ rất khắt khe để chọn họ là thần tượng, trong khi lại rất dễ dãi để chọn một thần tượng người nước ngoài.

“Theo tôi, ở đây có trách nhiệm của nhiều tổ chức chính trị, đoàn thể của xã hội, trong đó, cũng có một phần lỗi của tổ chức Đoàn, là chưa hành động thực sự quyết liệt, chưa xây dựng được một hình tượng tiêu biểu cho các bạn học tập và noi theo”, ông Tự Do nói.

“Trong những năm qua, Đoàn đã có rất nhiều hoạt động nhằm cải thiện tình hình này, như tuyên dương các điển hình tiên tiến, hy vọng thông qua đó, các bạn trẻ sẽ có tấm gương để noi theo, nhưng thực sự, chưa xây dựng được các tấm gương điển hình như các thế hệ trước đây. Chúng tôi cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo và quy tụ anh chị em nghệ sĩ có tâm huyết nhằm tập hợp thanh niên. Chúng tôi cũng có làm những chương trình như Khát vọng trẻ, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng rất nhiệt tình tham gia. Nhưng mới dừng lại ở điển hình tiên tiến, và bị trôi tuột, không để lại ấn tượng nhiều với đoàn viên, thanh niên”, ông Tự Do cho biết thêm.

Về phương án trong thời gian tới, ông Tự Do cho biết, Đoàn hướng tới xây dựng 3 loại thần tượng cho giới trẻ: Thần tượng trọn đời (ví dụ là cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh); Thần tượng trong việc làm (xây dựng thần tượng trong lĩnh vực giải trí, văn hóa nghệ thuật để có sức hút với thanh niên); và Thần tượng bình dân trong mỗi chúng ta (thông qua các hệ thống báo chí của Đoàn, báo chí mà Đoàn cộng tác, các bạn thanh niên tìm ra thần tượng đích thực cho mình như các tấm gương điển hình trong cuộc sống thường nhật).

Anh Lê Quang Tự Do bày tỏ: trong cuộc sống có rất nhiều người đáng để học tập, đáng để kính trọng, nhưng các bạn trẻ rất khắt khe để chọn họ là thần tượng, trong khi lại rất dễ dãi để chọn một thần tượng người nước ngoài.

Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Trần Thanh Lâm cho rằng, vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông rất quan trọng. “Chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong việc tìm và nêu các tấm gương người tốt việc tốt để các bạn trẻ phấn đấu và noi theo. Chúng ta không nên quá thiên lệch về các ngôi sao ngoại, các ngôi sao trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, mà nên có cả về các ngôi sao trong lĩnh vực đời sống xã hội”, ông Lâm cho biết.

Cùng quan điểm về tầm quan trọng của báo chí, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, đánh giá cao diễn đàn Lệch lạc thần tượng của báo Tiền Phong. “Tôi rất cám ơn T.Ư Đoàn, báo Tiền Phong đã mở diễn đàn về vấn đề Lệch lạc thần tượng. Tôi thấy rất phấn khởi vì báo Tiền Phong đã làm điều chúng tôi đang mong muốn là triển khai diễn đàn xây dựng một lối sống đẹp cho thanh niên, sống có lý tưởng và đạo đức”, bà Hồng nói.

“Sau diễn đàn Lệch lạc thần tượng, hy vọng báo Tiền Phong tiếp tục mở các diễn đàn tương tự về giới trẻ hiện nay. Tôi rất ủng hộ và mong mỏi. Điều này là rất cần thiết. Phải tăng cường những diễn đàn như thế để làm nhiệm vụ giáo dục, định hướng lối sống, đạo đức, lý tưởng cho thanh niên, giới trẻ bây giờ”, bà Hồng nói.

Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng hy vọng báo Tiền Phong tiếp tục mở các diễn đàn tương tự về giới trẻ hiện nay.

Mở Diễn đàn “Tội ác đến từ đâu?” trên báo Tiền Phong

Tại cuộc giao lưu, nhiều đại biểu, sinh viên đặt câu hỏi: Khi kết thúc Diễn dàn "Lệch lạc thần tượng", Tiền Phong có mở diễn đàn nào nữa không. Anh Lê Anh Đạt, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng ban Thanh niên cho biết, trong thời gian tới, sẽ ra mắt diễn đàn “Tội ác đến từ đâu?”.

Anh Đạt nói: Phạm tội trong thanh thiếu niên đang là vấn đề nóng của dư luận xã hội. Đáng báo động là nguyên nhân gây án, đặc biệt là trọng án thường xuất phát từ chuyện rất nhỏ. Từ va chạm giao thông, từ cái nhìn đểu, từ tranh trả tiền nhậu… cũng dẫn đến án mạng. Đôi khi vì vài chục ngàn đồng, vì thiếu tiền chơi game, vì sĩ diện với bạn gái… cũng là nguyên nhân của những vụ cướp tiệm vàng, cướp giật trên đường phố.

Diễn đàn Tội ác đến từ đâu? sẽ góp phần giải mã cơ chế gây án, tìm ra lỗ hỗng giáo giục và những bức bí trong đời sống dưới trẻ, dưới góc nhìn dân sự, đời thường qua các bài viết tham gia diễn đàn của bạn trẻ, của chuyên gia tâm lý, pháp luật, nhà nghiên cứu thanh niên, cán bộ Đoàn, gia đình, nhà trường...

Diễn đàn sẽ cung cấp cách nhìn đa diện, sâu sắc về vấn đề này để những người trẻ tự soi chiếu, các nhà quản lý nắm bắt đưa ra các giải pháp. Diễn đàn cũng là cách làm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2013 là Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn.

Anh Đạt cũng mong muốn, tuổi trẻ, đoàn viên, thanh niên đóng góp tiếng nói của mình vào diễn đàn, thể hiện quan điểm của mình trước vấn đề đang được cả xã hội quan tâm thông qua địa chỉ email: anhdatle@gmail.com hoặc thegioitre@tienphong.vn

Theo Viết