Thiếu gia chơi chó 'khủng'
Cuối tuần, trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ ở Gia Lâm, Hà Nội, lại nườm nượp khách. Các bạn trẻ đi ôtô, xe tay ga đắt tiền lên thăm "em" Tom hay Tommy đang học tại đây.
Dựng xe tay ga đắt tiền ngoài cổng, Nguyễn Hoàng Việt (ĐH Công nghệ Thông tin) và bạn gái Thùy Linh (Cao đẳng Cộng đồng) ở Trần Khát Chân (Hà Nội) vội chạy tới khu vui chơi của chó tìm cún cưng.
Tom, tên chú chó Alaska lông xám, đôi tai viền đen nhảy lên vẫy đuôi mừng quýnh khi được thầy huấn luyện dắt ra gặp chủ. Gần đó, bầy chó đang đặt hai chân lên thành hàng rào quanh khu sân chơi ngóng xem có chủ mình không. Một vài con ghen tị sủa inh ỏi khi thấy bạn được đoàn tụ.
Một tuần hai lần, Việt và Linh lại lên thăm Tom đang theo học khóa huấn luyện cơ bản ở đây. Gặp Tom, Việt mừng rỡ vừa xoa đầu vừa nựng: "Ai bảo em Tom còn bé nào". Linh cũng xuýt xoa vỗ về chú chó như một người em nhỏ.
Sau hồi thể hiện sự nhớ nhung, cả hai bóc xúc xích và xắn từng miếng cho Tom ăn. Linh nhất quyết không cho Tom ăn miếng đã rơi xuống đất vì sợ cún bị đi ngoài và thủ thỉ vào tai chú chó dặn dò không... ăn bẩn. Cô nàng còn nhắc bạn trai xem xét kỹ bộ lông của Tom. Thỉnh thoảng cặp đôi cười thích thú khi thấy Tom làm theo khẩu lệnh của mình.
Tom đã tám tháng tuổi và đang kỳ thay lông. Chú được gia đình chủ gửi lên trung tâm học mới hơn hai tuần nhưng đã biết cách giơ chân trước và thực hiện một số động tác bò, nằm. Việt cho hay, Tom rất nghịch ngợm nên cậu quyết định gửi đi học để nề nếp hơn.
Việt và Linh mua chú chó này lúc hai tháng tuổi với giá 8,5 triệu đồng. Cả hai chọn giống Alaska vì xem trên phim thấy giống chó này kéo xe rất đẹp. Ngoài Tom, ở nhà Việt còn có con phốc già nuôi đã lâu.
Thỉnh thoảng, Linh cũng hay mang chó giống culi gần chục triệu của mình sang "giao lưu" với hai "bạn" nhà Việt. Linh cho hay, culi và phốc hay quấn quýt còn Tom khó bảo. Ngày Tom "đi học", culi và phốc buồn, bỏ ăn hai ngày.
Cũng đam mê nuôi chó cảnh, Tuấn (Học viện Kỹ thuật Quân sự) tậu chó Alaska lông đỏ với giá gần 8 triệu. Tommy có đuôi bông, dài đẹp, chân trước hơi bị tật do ngày nhỏ bị tai nạn và không được bó bột.
Tommy xa nhà đã gần bốn tháng và "sắp tốt nghiệp". Lần nào gặp, Tuấn cũng vuốt ve, nói chuyện và dắt Tommy đi dạo để "tâm sự". Cuối tuần, cậu cùng bố mẹ đi ôtô lên thăm Tommy và không quên mang theo chục quả trứng vịt lộn luộc sẵn làm quà.
Với gia đình Tuấn, Việt, những chú chó được xem như "cậu út" trong nhà. Khẩu phần ăn của chúng được đặc biệt chú ý. Bữa sáng ăn nhẹ với bánh quy, chiều và tối thực đơn gồm cơm, cổ, đầu gà xay. Để dưỡng lông mượt và không bị rụng, những chú chó này được ăn sữa chua, pho mát.
Chăm chút hơn, mẹ Tuấn còn mua sữa tắm 400.000 đồng một chai dành riêng cho động vật để Tommy thơm phức. Hàng ngày, Tuấn cùng mẹ rửa mặt, chải lông cho chó.
Tuấn chia sẻ, nuôi chó đắt tiền khá công phu. Qua giai đoạn lúc nhỏ hay ốm đau, chó sẽ nhanh lớn. Còn với Việt và Linh, chỉ cần Tom có biểu hiện chán ăn hay đi ngoài là cả hai đã lo sốt vó.
Linh cho hay, ở nhà Tom còn được uống canxi, tăng cường sức khỏe. Thỉnh thoảng, Tom còn được cô, cậu chủ đưa đi dạo phố bằng xe máy. Đưa cún vào học tại trung tâm, Việt và Tuấn phải làm hợp đồng "nhập học" ít nhất 3 tháng. Mỗi khóa như vậy chi phí 7,5 triệu đồng.
Theo huấn luyện viên Hạ Đạt Hảo, hiện có khoảng 100 chó được các gia đình gửi huấn luyện. Ngoài chó cảnh và chó bảo vệ, trung tâm cũng là nơi cung cấp khuyển cho các đơn vị đặc biệt. Mỗi huấn luyện viên như anh Hảo chịu trách nhiệm dạy 5-6 con chó.
Chó gửi huấn luyện chủ yếu thuộc các dòng Alaska, Husky (chó cảnh) hoặc Becgie hay Rott (chó bảo vệ). Nhiều con giá không dưới 20 triệu đồng. Trong số con được gửi, có cả giống ngao Tây Tạng luôn được rọ mõm do hung dữ.
Chó cảnh sẽ được dạy các động tác cơ bản như đứng, nằm, ngồi, bò, chào và biết nghe lời. Tối thiểu trong ba tháng, các chú cún mới quen và nhớ được những động tác ấy. Khó nhất là dạy chó con vì chúng hay nghịch, học nhanh và dễ quên. Khác với chó cảnh, chó bảo vệ sẽ được tập hung dữ để trông nhà.
Với những "học viên" mới, anh Hảo phải mất 1-2 tiếng một buổi để hướng dẫn. Huấn luyện viên này chia sẻ, ban đầu cần lấy lòng tin các "học viên" bằng cách vuốt ve, cho ăn và đi chơi cùng.
Anh Hảo cho hay, chủ nhân của những chú chó gửi ở đây phần lớn là bạn trẻ. Cuối tuần, họ cùng gia đình tới thăm để cún yêu luôn cảm thấy được quan tâm. Một số bạn tới thăm chó thường hay mang theo đồ ăn và quần áo cho chúng. Số khác dắt theo cún nhập từ nước ngoài có giá vài nghìn đôla đến "giao lưu".
Theo Bình Minh
VnExpress